TIN THỦY SẢN

Kích thích tăng trưởng trên tôm thẻ chân trắng nhờ Streptomyces spp

Kích thích tăng trưởng trên tôm thẻ chân trắng nhờ Streptomyces spp. Ảnh: i1.wp.com Vũ Hùng Hải, Phạm Thị Tuyết Ngân, Vũ Ngọc Út, Huỳnh Trường Giang

Nghiên cứu mới đây của nhóm nghiên cứu trường đại học Cần Thơ cho thấy tiềm năng ứng dụng Streptomyces spp trong nuôi trồng thủy sản đặc biệt là đối tượng tôm thẻ chân trắng.

Streptomyces là vi khuẩn Gram dương, thuộc bộ Actinomycetales được tìm thấy ở hầu hết các các thủy vực và trong đất, các chủng Streptomyces có lợi có thể được coi là probiotic tiềm năng trong nuôi trồng thủy sản với khả năng sinh tổng hợp kháng sinh, các chất kháng khuẩn, tạo ra một số emzym ngoại bào phân giải các hợp chất hữu cơ nhờ các hoạt chất enzyme như protease, amylase, cellulase, hỗ trợ sinh trưởng của các vi sinh vật và đảm bảo chất lượng nước.

(Tan và ctv., 2016). You và ctv. (2007) cũng đã chứng minh Streptomyces albus có khả năng sản xuất các hợp chất ức chế và các chất chuyển hóa liên quan đến sự hình thành màng sinh học của các tác nhân gây bệnh như V. harveyi, V. vulnifi cus, và V. anguillarum. Các nhóm Streptomyces RL8 và BMix-StrepMix cho tỷ lệ sống trên tôm gần 95% khi cảm nhiễm với vi khuẩn V. parahaemolyticus CAIM 170 (Bentley và ctv., 2002). 

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc bổ sung vi khuẩn Streptomyces lên chất lượng nước, vi khuẩn đường ruột, enzyme tiêu hóa và tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei). Tôm thẻ chân trắng với trọng lượng trung bình 0,48 ± 0,01 g được chọn để bố trí thí nghiệm với 4 nghiệm thức, bao gồm (i) Tôm được cho ăn thức ăn không bổ sung khuẩn (đối chứng) và thức ăn có bổ sung vi khuẩn Streptomyces tương ứng với 3 mật độ (ii) 106, (iii) 107 và (iv) 108 CFU/kg trong 63 ngày.

Kết quả cho thấy các thông số chất lượng nước bao gồm nhiệt độ, pH, DO, COD, TSS, độ kiềm, TAN và N-NO2- ở các nghiệm thức bổ sung khuẩn và đối chứng không có sự chênh lệch đáng kể. Mật độ vi khuẩn Streptomyces sp. trong ruột tôm ở nhóm bổ sung vi khuẩn cao hơn có ý nghĩa so với đối chứng. Nghiệm thức bổ sung vi khuẩn Streptomyces ở mật độ 107 và 108 CFU/kg giúp giảm đáng kể mật độ tổng khuẩn Vibrio sp. trong ruột tôm.

Mật độ vi khuẩn Streptomyces spp. (A) và tổng Vibrio spp. (B) trong ruột tôm thí nghiệm.

Các enzyme tiêu hóa như α-amylase, β- galactosidase, protease và Leu-aminopeptidase ở nhóm bổ sung vi khuẩn Streptomyces đạt hoạt tính cao nhất ở cả hai nhóm bổ sung mật độ 107 và 108 CFU/kg. Tăng trưởng về khối lượng (WG), tốc độ tăng trưởng tương đối (DWG) và tốc độ tăng trưởng tuyệt đối (SRG) về khối lượng khác biệt không đáng kể giữa các nghiệm thức. Tuy nhiên, tỉ lệ sống, sinh khối của tôm và chỉ số FCR ở các nghiệm thức bổ sung Streptomyces được cải thiện đáng kể, đặc biệt là nghiệm thức bổ sung vi khuẩn Streptomyces ở mật độ 107 CFU/kg.

Tóm lại, việc bổ sung chủng Streptomyces vào thức ăn giúp kích thích tăng trưởng bằng cách đẩy mạnh khả năng tiêu hóa thức ăn của tôm thông qua các enzyme protease, α-amylasevà lipase. Ngoài ra, tăng cường hệ sinh vật đường ruột và giảm thiểu mầm bệnh do Vibrio gây ra. 

Ngoài ra, Streptomyces được xem là nguồn protein triển vọng thay thế nguồn bột cá biển trong sản xuất thức ăn và hiệu quả chuyển hóa thức ăn tốt hơn trên tôm. Do đó, bổ sung Streptomyces vào thức ăn không chỉ mang lại các tác động tích cực của một probiotic mà còn giúp quản lý hiệu quả chi phí thức ăn trong nuôi trồng thủy sản. 

Kết quả cho thấy tiềm năng to lớn của các chủng Streptomyces trong nuôi trồng thủy sản. Sự xâm nhập của vi sinh vật và sự sống sót trong ruột của tôm là điều kiện tiên quyết quan trọng đối với các chế phẩm sinh học tiềm năng trong tương lai. 

Vũ Hùng Hải, Phạm Thị Tuyết Ngân, Vũ Ngọc Út, Huỳnh Trường Giang