Kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành “Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Hoa kỳ”.
Phải kiểm tra mẫu nước vùng nuôi thủy sản ít nhất 1 lần/năm
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản và các đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm kiểm soát an toàn thực phẩm trong quá trình vận chuyển, chế biến, bảo quản, xuất khẩu cá da trơn.
Đối với cơ sở nuôi cá da trơn cung cấp nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ phải đáp ứng điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Luật Thủy sản. Đồng thời được cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, cơ sở nuôi phải nằm trong vùng nuôi được lấy mẫu giám sát trong Chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Để đáp ứng điều kiện xuất khẩu đi Hoa Kỳ, cơ sở nuôi thủy sản buộc phải sử dụng con giống được sản xuất từ cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện và đã được kiểm dịch theo quy định. Chỉ được sử dụng thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, nằm trong danh mục cho phép.
Đặc biệt, phải tuân thủ quy định về dư lượng hóa chất, kháng sinh, kim loại trong quá trình nuôi cá da trơn làm quyên liệu chế biến xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Các dụng cụ thu hoạch cá phải đảm bảo không là nguồn gây mất an toàn thực phẩm đối với cá da trơn.
Ngoài ra, cơ sở nuôi phải lấy mẫu nước, kiểm tra dư lượng một số kim loại nặng, thuốc trừ sâu gốc Chlor hữu cơ định kỳ ít nhất 1 năm/lần/vùng nuôi hoặc thu thập kết quả kiểm tra chất lượng nước của cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản. Thực hiện giám sát chỉ tiêu chất lượng nước trong quá trình nuôi theo quy định của Hoa Kỳ.
Giám sát ít nhất 1 lần/ca tại cơ sở chế biến
Đối với cơ sở chế biến, muốn xuất khẩu sản phẩm từ cá sang Hoa Kỳ thì phải áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo nguyên tắc HACCP. Còn với cơ sở chế biến cá da trơn từ nguyên liệu là bán thành phẩm do cơ sở khác cung cấp, Chương trình quản lý chất lượng quy định rõ cơ sở cung cấp bán thành phẩm phải có tên trong danh sách được phép chế biến xuất khẩu cá da trơn sang thị trường Hoa Kỳ, do cơ quan thẩm quyền của Hoa Kỳ chấp thuận.
Những lô hàng có kết quả phân tích không đáp ứng yêu cầu về mức dư lượng tối đa cho phép hoặc mức giới hạn áp dụng nhỏ nhất tại phụ lục của Chương trình này đều không được xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Cơ sở phải thiết lập quy định về truy xuất nguồn gốc và triệu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn theo đúng quy định tại Thông tư 03/2011/TT-BNNPTNT. Trường hợp xác định được sản phẩm đã xuất khẩu sang Hoa Kỳ không đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc ghi nhãn sai, cơ sở phải thực hiện thông báo cho cơ quan kiểm soát (gồm thông tin sản phẩm, số lượng, xuất xứ, điểm đến) trong vòng 1 ngày làm việc kể từ khi phát hiện lô hàng không phù hợp.
Đối với công tác quản lý nhà nước, hàng tuần, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng lập kế hoạch, bố trí kiểm tra viên giám sát các cơ sở chế biến cá da trơn xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đảm bảo các cơ sở được giám sát ít nhất 1 lần/ca sản xuất.
Trong quá trình giám sát, nếu có đủ cơ sở cho thấy lỗi sai được phát hiện có thể gây ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm lô hàng nếu được tiếp tục sản xuất, kiểm tra viên có thể xem xét niêm phong hoặc gắn thẻ “không phù hợp”, yêu cầu loại bỏ nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm không đáp ứng quy định hoặc ngừng sử dụng thiết bị, dụng cụ không đảm bảo vệ sinh có thể gây mất an toàn đến thực phẩm.