TIN THỦY SẢN

Kiểm soát bệnh vi khuẩn trên cá vàng từ thảo dược thiên nhiên

Cá vàng là một loài cá cảnh được rất nhiều người ưa chuộng. Ảnh minh họa Uyên Đào

Nghệ thuật nuôi cá cảnh đã có từ lâu đời, đặc biệt là cá vàng (C. auratus) - loài cá cảnh đang được yêu thích và nuôi phổ biến trên toàn thế giới. Những loài cá này thường được gọi là "vật trang trí sống" do màu sắc hấp dẫn, đa dạng của chúng mang đến nguồn vui cho người nuôi không phân biệt lứa tuổi, đồng thời cũng mang lại giá trị như một mô hình nghiên cứu. Mặc dù vậy, dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng cùng với tỷ lệ chết cao đã và đang gây thiệt hại kinh tế đáng kể đối với ngành nghề nuôi cá cảnh này.

Hệ thống miễn dịch không đặc hiệu của cá được coi là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại mầm bệnh xâm nhập cũng như việc tiết chất nhờn là một cơ chế bảo vệ hoạt động như một hàng rào ngăn chặn các vi sinh vật lây nhiễm vào cơ thể của cá. Các triệu chứng lâm sàng của nhiễm vi khuẩn Bacillus như cá thay đổi màu sắc, lờ đờ, biếng ăn, xói mòn vảy, da xuất huyết, loét, thối đuôi, vây đã được quan sát thấy ở tất cả các nhóm cá bị nhiễm bệnh. 

Các loại thuốc kháng sinh và hóa chất bao gồm teflubenzuron, pyrethrin và dichlorvos đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự xâm nhập của vi khuẩn trong nuôi trồng thủy sản hiện trở nên không hiệu quả, không an toàn, tốn kém và tạo ra rất nhiều mối nguy hại về môi trường. 

Chính vì thế, để phát triển các phương pháp thay thế hiệu quả việc quản lý dịch bệnh trong nuôi trồng cá cảnh đang được các nhà khoa học hết sức chú ý và chuyển hướng tìm ra các loại thuốc mới, đặc biệt là các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Các hợp chất có nguồn gốc thực vật không chỉ an toàn cho người tiêu dùng mà còn phổ biến rộng rãi khắp Châu Á và chúng cũng có vai trò quan trọng trong các chương trình phát triển thuốc trong ngành công nghiệp dược phẩm và trong nuôi trồng thủy sản hoạt động như một chất kháng khuẩn, kháng virus, kích thích miễn dịch và chống stress. 

Nghiên cứu hiện tại đã được thực hiện để đánh giá hoạt tính kháng khuẩn và kích thích miễn dịch của ba loại thảo dược tỏi (Allium sativum), cây cang mai (Adhatoda vasica) và rau má (Centella asiatica) để điều trị bệnh gây ra bởi vi khuẩn Bacillus licheniformis - một chủng vi khuẩn mới được coi là nguyên nhân chính gây tử vong cao và thiệt hại kinh tế đối với các trang trại cá cảnh.


Cây cang mai (Adhatoda vasica).

Một trăm bảy mươi con cá vàng trưởng thành khỏe mạnh được thu thập từ một trang trại địa phương sau 7 ngày thích nghi trong điều kiện phòng thí nghiệm được cho ăn thức ăn bổ sung chiết xuất thảo dược lần lượt ở các nồng độ 2, 5, 8 mg/kg và một chế độ ăn đối chứng trong vòng 20 ngày. Sau đó thực hiện cảm nhiễm vi khuẩn Bacillus licheniformis với mật độ 1×105 CFU/ml bằng phương pháp tiêm qua màng bụng. Tỷ lệ chết và các chỉ tiêu cần thiết đã được ghi nhận.

Kết quả phân tích cho thấy trong số ba loại thảo dược khác nhau, chiết xuất phyton từ cây cang mai (A. vasica) có thể ức chế mạnh mẽ sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh cao hơn đáng kể trong các chiết xuất từ rau má (C. asiatica) và  tỏi (A. sativum). Đồng thời làm giảm tỷ lệ cá chết, trong đó tỷ lệ chết ở nhóm đối chứng lên đến 63,33% thì nhóm được bổ sung chiết xuất phyton từ cây cang mai giảm dần đạt 56,66, 18,33 và 5% trong các nhóm được điều trị bằng 2, 5 và 8 mg/kg. 

Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng phytol là một chất kích thích miễn dịch tuyệt vời, giảm stress, oxy hóa cũng như tác dụng chống viêm và dị ứng vượt trội hơn đối với các chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus, S. epidermidis, Bacillus subtilis, Proteus vulgaris và Candida albicans. Những kết quả này tạo cơ sở cho các thử nghiệm lâm sàng tiếp theo. 

Tuy nhiên việc tăng nồng độ phytol từ 14–20 mg/kg dẫn đến hành vi thất thường của cá vàng và khả năng sống sót đã giảm, nguyên nhân có thể là do sự thiếu hụt oxy. Do đó 2–8 mg/kg phytol được coi là liều lượng an toàn và hiệu quả cho cá vàng để kiểm soát các bệnh do vi khuẩn. Việc sử dụng chiết xuất thảo dược thông qua ngâm và tiêm giúp chất kích thích miễn dịch nhanh chóng được hấp thụ và hoạt động trong khi dùng đường uống, chất kích thích miễn dịch được cá hấp thụ chậm, nhưng nó là phương pháp thiết thực nhất. 

Do đó, nghiên cứu hiện tại kết luận rằng chiết xuất phyton từ cây cang mai không có độc tính gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển của cá vàng cùng với hoạt tính sinh học cao giúp tăng cường khả năng chống oxy hóa, kích thích hệ thống miễn dịch, đồng thời nâng cao khả năng chống chịu đối với vi khuẩn gây bệnh, tiềm năng như một hợp chất mới đầy hứa hẹn để cải thiện năng suất cho người nông dân.

Nguồn: In vivo and in vitro antimicrobial activity of phytol, a diterpene molecule, isolated and characterized from Adhatoda vasica Nees. (Acanthaceae), to control severe bacterial disease of ornamental fish, Carassius auratus, caused by Bacillus licheniformis PKBMS16. Saha, M., & Bandyopadhyay, P. K. (2020). Microbial Pathogenesis, 103977. https://doi.org/10.1016/j.micpath.2020.103977

Uyên Đào