TIN THỦY SẢN

Kiểm soát chặt nguồn gốc các sản phẩm nông, lâm, thủy sản

Tôm sú xuất khẩu. Ảnh: Bộ Công Thương. Ngọc Quỳnh

Nhằm truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm hàng hóa tại các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã đẩy mạnh việc đánh giá, xếp loại và nâng cao ý thức cho các chủ cơ sở về kinh doanh hàng hóa có tem nhãn và nguồn gốc.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố đã thực hiện đánh giá, xếp loại 27.355 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và 186.900 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. Thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (từ ngày 15/04 đến 15/05), ngành Nông nghiệp đã thẩm định, xếp loại 31 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố. Trong đó, 24 cơ sở xếp loại B, 6 cơ sở xếp loại C, 1 cơ sở không đánh giá; cấp 24 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát thông tin, việc kiểm tra, đánh giá xếp loại các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản nhằm nâng cao ý thức cho người sản xuất, kinh doanh trong sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản an toàn phục vụ người tiêu dùng. Đối với những cơ sở xếp loại A, B đã được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Đây là điều kiện thuận lợi để các cơ sở tạo dựng được niềm tin đối với người tiêu dùng, tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ trên thị trường.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu, chủ cửa hàng thực phẩm sạch Hai Sương (quận Hà Đông) cho biết, cửa hàng được đánh giá xếp loại B nên người tiêu dùng tương đối yên tâm về chất lượng hàng hóa và nguồn gốc nông sản đang bán tại cửa hàng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm soát các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản cũng đang gặp phải một số khó khăn, bất cập. Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố rất lớn nhưng đa phần là nhỏ lẻ, chưa áp dụng quy trình, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc. Lực lượng làm công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông nghiệp tại cơ sở thường xuyên thay đổi, chuyên môn chưa phù hợp... dẫn đến công tác tham mưu chính quyền địa phương chưa hiệu quả...

Để siết chặt quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và kiểm soát chất lượng nông sản trên thị trường, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung để kiểm soát nông sản, thực phẩm từ gốc. Cùng với đó, tạo môi trường thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, chế biến kinh doanh, sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn…

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn kiến nghị: “Bộ NN&PTNT cần sớm thống nhất việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Bởi vì các ngành Y tế, Nông nghiệp vẫn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể, trong khi ngành Công Thương không quy định việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện cho đối tượng này theo Thông tư số 43/TT-BCT ngày 15-11-2018”.

Ngọc Quỳnh Hanoimoi