TIN THỦY SẢN

Kiểm soát chặt quảng cáo thức ăn chăn nuôi

Ảnh minh họa Lan Phương

Nội dung quảng cáo thức ăn chăn nuôi phải phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (nếu có) và phải có các nội dung như xuất xứ nguyên liệu trong chế biến; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Nội dung quảng cáo thức ăn chăn nuôi phải được cơ quan có thẩm quyền quy định xác nhận. Đây là quy định mới được bổ sung tại Thông tư 29/2015/TT-BNNPTNT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 66/2011/TT-BNNPTNT quy định chi tiết một số điều Nghị định số 08/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi.

Về thẩm quyền cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thức ăn chăn nuôi, Thông tư 29 nêu rõ, Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thức ăn chăn nuôi đối với các trường hợp quảng cáo trên các phương tiện: Báo chí, trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác, các sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác của Trung ương, phát hành toàn quốc; hội chợ, hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, chương trình văn hoá, thể thao phạm vi toàn quốc.

Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thức ăn chăn nuôi đối với các trường hợp quảng cáo trên các phương tiện: Bảng quảng cáo, băng-rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo; phương tiện giao thông; người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, vật thể quảng cáo…

Cũng theo Thông tư, thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam là thức ăn chăn nuôi được Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi công nhận đủ điều kiện lưu hành tại Việt Nam sau khi đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận. Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi có trách nhiệm định kỳ hàng tháng tổng hợp, công bố Danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để các tổ chức, cá nhân có liên quan truy cập, thực hiện.

Thời gian lưu hành của các sản phẩm thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam là 05 năm kể từ ngày được công nhận. Trước khi hết thời gian lưu hành 06 tháng, tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện đăng ký lại thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam tại Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi.”

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/9/2015.

Lan Phương VGP, 01/10/2015