Kiên Giang: Nuôi cá lồng bè trên quần đảo Nam Du
Nghề nuôi cá lồng bè trên quần đảo Nam Du (H.Kiên Hải, Kiên Giang) không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần đáng kể trong việc tái tạo nguồn lợi thủy sản và phát triển du lịch sinh thái.
Điều kiện tự nhiên thuận lợi
Thuộc địa bàn 2 xã Nam Du và An Sơn, quần đảo Nam Du đang phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng bè trên biển. Ông Trần Văn Du, Phó chủ tịch UBND xã Nam Du, cho biết hiện xã có khoảng 140 hộ nuôi 300 bè với hơn 500 lồng, chủ yếu là cá bớp và cá mú. Năm 2015, sản lượng thu hoạch hơn 405 tấn, đạt trên 125 tỉ đồng. Nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên khá, giàu nhờ nghề nuôi cá lồng bè. Năm 2016, xã Nam Du sẽ phát triển thêm 10 bè với 30 lồng nuôi, phấn đấu đạt sản lượng 500 tấn cá trở lên.
Điều kiện tự nhiên ở quần đảo Nam Du rất thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi cá lồng bè, nhất là nguồn nước không bị ô nhiễm. Đặc biệt, cá ở đây được nuôi tự nhiên, chỉ cho ăn cá tạp, không sử dụng thức ăn công nghiệp nên chất lượng thịt cá thơm ngon. Bên cạnh đó, các hộ nuôi đã chủ động được nguồn cá giống nhờ mua con giống tự nhiên từ các ghe cào đôi đánh bắt ngoài xa hoặc nguồn cá giống sinh sản nhân tạo.
Bà Ngô Thị Mỹ Trang, chủ bè cá ở Hòn Ngang, cho biết gia đình bà nuôi cá lồng bè đã hơn 10 năm nay. Trong vòng 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm thu lời từ 400 - 500 triệu đồng. Hiện bà Trang đang nuôi 2 bè, với 500 con cá bớp và 2.000 con cá mú sao, mú trân châu. Bà thả giống luân phiên 4 đợt/năm, thời gian nuôi 8 - 10 tháng là thu hoạch nên lúc nào trong bè cũng có cá. “Cá mú thường xuyên hút hàng do nhu cầu cả thị trường trong nước và xuất khẩu đều cao. Đối với cá mú sao, thương lái mua tại bè với giá từ 420.000 đồng/kg trở lên, còn cá mú trân châu dao động khoảng 230.000 - 250.000 đồng/kg”, bà Trang cho biết.
Cần quy hoạch bài bản
Theo nhiều ngư dân, nghề nuôi cá lồng bè ở quần đảo Nam Du đang góp phần quan trọng trong việc tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên và phát triển du lịch sinh thái. Hiện khu vực nuôi cá lồng bè chiếm diện tích mặt nước biển quanh quần đảo khá lớn. Do không có phương tiện vào khai thác, đánh bắt nên nhiều loài thủy sản tập trung về đây trú ngụ, sinh sản. Ngoài ra, những bè cá có quy mô lớn thường thu hút khách du lịch đến tham quan khi đặt chân đến quần đảo Nam Du.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Nam Du, nghề nuôi cá lồng bè trên biển ở đây vẫn chưa được quy hoạch, đầu tư bài bản, đa phần các hộ dân đều nuôi tự phát. Do vốn đầu tư đóng mới mỗi bè cá dao động từ 100 - 500 triệu đồng tùy quy mô lớn nhỏ nên số lượng lồng bè của ngư dân còn hạn chế. Việc nuôi cá không cố định một chỗ, ngư dân thường phải kéo bè di chuyển quanh đảo theo mùa nam (nồm) và mùa bấc (chướng) để tránh sóng to, gió lớn nhằm đảm bảo an toàn cho bè cá.
Theo ông Du, để khắc phục tình trạng trên, lãnh đạo xã Nam Du đang phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh quy hoạch lại vùng, khu vực nuôi cá lồng bè trên biển theo hướng ổn định, bền vững và hiệu quả; đồng thời tăng số lượng, quy mô lồng bè kết hợp với ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng, vừa mở rộng vùng nước góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên, vừa phát triển du lịch sinh thái. “Sắp tới, địa phương sẽ đầu tư xây dựng đê chắn sóng phía tây đảo Hòn Ngang để phục vụ tàu du lịch đưa đón du khách đến đảo thuận tiện, an toàn và giúp lồng bè nuôi cá tránh trú sóng to gió lớn”, ông Du cho biết thêm.
Để hỗ trợ ngư dân nuôi cá lồng bè đạt hiệu quả cao, giảm rủi ro, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Kiên Giang đã phối hợp UBND 2 xã Nam Du và An Sơn thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật thiết kế lồng bè, cách kiểm tra nguồn nước, chọn cá giống, chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh phát sinh; đồng thời phân công cán bộ cùng ngư dân theo dõi, kiểm soát chặt chẽ việc nuôi cá để kịp thời xử lý tình huống xấu...