TIN THỦY SẢN

Kiên Giang: Thu nhập cao từ nuôi cá bống mú

Nông dân huyện An Biên nuôi cá bống trong ao đất thu nhập cao. Gia Bảo

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên Lê Văn Hai, đến nay An Biên đã hình thành nhiều mô hình sản xuất đa dạng về nuôi trồng thủy sản; trong đó đáng chú ý là nuôi cá bống mú vùng nước lợ, nước ngọt ven biển của nông dân 2 xã Nam Yên, Tây Yên A...

Là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của huyện nhiều năm, ông Trương Bá Đương - ngụ ấp Rẫy Mới, xã Tây Yên A - luôn học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích lũy kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt.

Sau trên 10 năm nuôi cá sặc rằn, gần đây ông Đương chuyển sang nuôi cá bống tượng. Vừa qua, ông Đương lãi gần 100 triệu đồng trong 8 vèo thả nuôi. Ông Đương có sáng kiến nuôi cá bống tượng trong vèo để dễ dàng theo dõi sự phát triển của cá và quản lý dịch bệnh.

Còn tại xã ven biển Nam Yên, nhiều người thả nuôi cá bống, nhưng hiệu quả nhất là mô hình của ông Nguyễn Việt Bình - ngụ ấp Ba Biển B. Theo ông Bình, hiện ông đang thả nuôi 31 ao đất (diện tích 5.000 mét vuông) với gần 4.000 con cá bống mú trân châu, nuôi theo dạng công nghiệp. Đây là loài cá giống nhập từ Inđônêsia, lớn nhanh, ít hao thức ăn so với nuôi cá bống mú đen. So với nuôi tôm công nghiệp (trước đây ông Bình nuôi tôm công nghiệp), nuôi cá bống mú theo quy trình công nghiệp hiệu quả kinh tế cao hơn, ít rủi ro. Trừ chi phí đầu tư, ông Bình lãi gần 200 triệu đồng/ao, mỗi năm lãi gần 10 tỉ đồng.

Theo ông Lê Văn Hai, hiện trên địa bàn huyện có gần 100ha thả nuôi các loại cá bống mú. So với nuôi cá lồng bè, nuôi cá bống mú trong ao đất tiết kiệm được chi phí đầu tư ao gần 50%; người nuôi dễ quản lý dịch bệnh, tiết kiệm chi phí vận chuyển cá sau thu hoạch từ bờ vào đất liền.

Gia Bảo Lao Động, 18/09/2015