TIN THỦY SẢN

Kiến Xương: Nhân rộng, làm giàu từ mô hình nuôi ba ba gai

Hà Dung

Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng” do các cấp Hội Nông dân phát động, nhiều hội viên Hội Nông dân xã An Bình (Kiến Xương - Thái Bình) đã thi đua, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế từ nuôi ba ba gai, đạt nhiều kết quả.

Để giúp hội viên thực hiện tốt phong trào thi đua phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã An Bình đã tích cực phát động hội viên tìm hướng phát triển kinh tế mới, xây dựng mô hình và hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng nhân rộng, làm giàu. Từ một vài hộ nuôi ba ba thương phẩm ban đầu, đến nay phong trào nuôi ba ba ở An Bình đã được nhân rộng, trở thành mô hình nổi bật trong phát triển kinh tế hộ gia đình của các hội viên.

Ông Đỗ Xuân Hương, hộ nuôi ba ba lâu năm ở thôn Bằng Trạch cho biết, sau một thời gian bươn trải khắp mọi nơi để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, năm 2001 ông về quê tập trung vốn mua 26 con ba ba gai và học cách nuôi. Do chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ sách báo và nhiều nguồn khác, sau 30 tháng, ông đã có thu nhập đầu tiên từ bán ba ba. Lợi nhuận thu được khiến ông say mê với mô hình này và tiếp tục duy trì. Hiện gia đình ông nuôi trên 400 con ba ba gai và 100 con ba ba Thái. Khu ao nuôi ba ba của gia đình ông cũng được mở rộng thêm, đồng thời chú trọng bố trí đúng theo yêu cầu kỹ thuật mà ông học hỏi được. Vì thế việc nuôi ba ba ngày càng phát triển hiệu quả.

Với phương thức gia đình nuôi ba ba trước hỗ trợ, giúp đỡ cho người nuôi sau về giống, vốn và kiến thức kinh nghiệm, nhiều hộ nông dân trước đây chuyên nuôi các con vật nuôi truyền thống, nay đã chuyển hướng chọn mô hình nuôi ba ba gai để phát triển kinh tế. Hiện xã An Bình đã có trên 80 hộ gia đình nuôi ba ba các loại, trong đó riêng thôn Bằng Trạch nhiều nhất có trên 40 hộ nuôi ba ba. Hầu hết các hộ gia đình nuôi ba ba trong xã An Bình đều có thu nhập bình quân từ 30 triệu đến 80 triệu đồng/năm.


Ông Đỗ Xuân Quý, một trong những hội viên nông dân xã An Bình nuôi ba ba gai đạt hiệu quả kinh tế cao.

Nói về cách chăm sóc, phòng bệnh cho ba ba, hội viên nông dân Đỗ Xuân Quý, một trong số hộ nuôi ba ba với số lượng nhiều ở An Bình chia sẻ: ba ba chăm sóc phòng bệnh đúng cách sẽ có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh. Trong quá trình nuôi tránh để nước ao bẩn, hạn chế đánh bắt làm ba ba hoảng sợ. Đồng thời cần phải thực hiện tốt nguyên tắc phòng bệnh cho ba ba như cải tạo ao đúng kỹ thuật trước khi thả; chọn mua giống nơi uy tín; thả nuôi đúng mật độ; cho ăn đủ lượng và đủ chất, chú ý rửa sạch thức ăn trước khi cho ba ba ăn. Đồng thời thường xuyên theo dõi và kiểm tra chặt chẽ các yếu tố môi trường, kịp thời xử lý khi ba ba xuất hiện triệu chứng bệnh.

Nắm bắt nhanh cơ hội phát triển mô hình kinh tế hiệu quả, các hộ gia đình nuôi ba ba tại xã An Bình đã tích cực đón bắt những tiến bộ mới nhất trong khâu xây dựng chuồng trại, chăm sóc để áp dụng. Để giúp nhau cùng phát triển kinh tế, các hộ hội viên trong quá trình chăn nuôi đều tự đúc rút kinh nghiệm và cách nuôi riêng phù hợp; cùng trao đổi, chia sẻ cách phòng tránh bệnh và kiến thức chăn nuôi ba ba hiệu quả cao. Đặc biệt nhiều hộ phối hợp cùng hình thành khu chăn nuôi tập trung, cùng liên kết đặt thức ăn, con giống từ một số địa chỉ tin cậy để bảo đảm cho ba ba phát triển tốt.

Anh Nguyễn Quân Uân, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình cho biết: ba ba gai có ưu điểm trọng lượng lớn, chất lượng thịt thơm ngon hơn loại ba ba thông thường nên được thị trường ưa chuộng, đầu ra cho sản phẩm cũng thuận lợi. Tuy gần đây giá ba ba thương phẩm giảm nhiều so với những năm trước, còn từ 580 nghìn đến 600 nghìn/kg, song đầu ra vẫn ổn định nên Ban Thường vụ Hội Nông dân xã đã động viên hội viên nhân rộng mô hình.

Song do nuôi ba ba cần có vốn đầu tư lớn bởi con giống đắt, thời gian nuôi ba ba thương phẩm dài cần từ 30 đến 36 tháng, kinh phí đầu tư thức ăn nuôi ba ba mỗi năm 8 tháng (4 tháng ba ba ngủ đông) cũng tốn kém nên nhiều hộ muốn nuôi mà thiếu vốn đầu tư. Hai năm qua, Hội Nông dân xã đã năng động tìm các nguồn vốn hỗ trợ như vốn khuyến nông từ Sở Khoa học Công nghệ và Hội Nông dân tỉnh, song cũng chỉ hỗ trợ cho khoảng 10 hộ, mỗi hộ từ 10 đến 20 triệu đồng, hiện nay vẫn còn nhiều hộ có nhu cầu vay vốn. Để hỗ trợ hội viên, Hội Nông dân xã tiếp tục đề nghị Hội Nông dân tỉnh tăng nguồn vốn hỗ trợ. Hy vọng các hội viên nông dân khi được vay vốn sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa phong trào nuôi ba ba ở An Bình.

Hà Dung Báo Thái Bình, 28/02/2014