TIN THỦY SẢN

Kim ngạch XK thủy sản giảm: Nông dân và doanh nghiệp đều khó

Thành Công

Từ đầu tháng 3/2015 đến nay, nông dân nuôi thủy sản rất lo lắng vì giá cá, tôm liên tục tụt giảm. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này là do xuất khẩu thủy sản gặp nhiều bất lợi về tỷ giá, thị trường tiêu thụ chậm dẫn đến giá trị xuất khẩu thủy sản giảm sâu.

Nông dân, hòa... là may!

Từ đầu tháng 3/2015 đến nay, giá các loại cá, tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu có xu hướng giảm về mức hòa vốn, trong khi chi phí sản xuất tăng nên nông dân vô cùng lo lắng. Mặc dù giá cá tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu hơn 1 tháng qua chưa làm cho nông dân lỗ nhưng chỉ cần giá giảm sâu chút nữa thì có thể bà con sẽ thu “lãi âm”.

Ông Nguyễn Văn Luyến (Ba Luyến), nông dân có 4 ao nuôi cá tra diện tích gần 1,5ha ở ấp Tân Bường A, xã Tân Phong (Cai Lậy - Tiền Giang) cho biết, hiện nay cá tra nguyên liệu đủ tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu (700-800 g/con) được các doanh nghiệp thu mua với giá 22.800 đồng/kg, giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với tháng trước. Đầu năm 2015, giá cá tra dao động từ 23.500-24.500 đồng/kg, nông dân thu lãi 1.500 - 2.000 đồng/kg. Từ cuối tháng 3/2015, giá cá tra giảm dần nên hiện tại người nào có kỹ thuật nuôi tốt lắm cũng chỉ hòa vốn, thậm chí lỗ.

Ông Ba Luyến than thở: “Giá cá tra dạo này thấp lắm chú ơi! Việc tiêu thụ cá tra lúc này cũng khó khăn. Thông thường, khi cá tới lứa thu hoạch (700-800 gam/con), nếu giá cá cao thì cỡ nào doanh nghiệp cũng mua hết, không cần phân loại phân cỡ. Tuy nhiên, khi giá giảm thì doanh nghiệp thông báo cá bị nhiễm kháng sinh, hóa chất gì đó buộc nông dân phải neo lại nửa tháng đến 1 tháng, sau đó khi cá lớn hơn (800-900 g/con) lại nói đã quá lứa, chỉ thu mua với giá rẻ. Trăm đường nông dân đều chịu thiệt nên nuôi cá tra khó ăn lắm mấy chú ơi”.

Không chỉ một mình ông Luyến tỏ ra lo lắng khi giá cá tra có xu hướng giảm mà người nuôi cá tra ở ĐBSCL đều có tâm trạng tương tự khi các nhà máy chế biến đồng loạt giảm giá mua từ đầu năm đến nay. Ông Hà Văn Tính, Giám đốc Công ty Thủy sản Đại Thành (Tiền Giang), cho biết, hiện doanh nghiệp thu mua cá của nông dân Tiền Giang và các tỉnh lân cận với giá 22.600 đồng/kg theo phương thức trả tiền một tuần sau khi bắt cá, giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với tuần trước.

Đối với người nuôi tôm, tình hình giá cả cũng không khả quan hơn khi lượng tôm thu hoạch đầu năm chưa nhiều do vụ tôm năm 2015 mới chính thức bắt đầu hơn 1 tháng nay nhưng giá tôm lại sụt giảm mạnh. Ông Nguyễn Thanh Tùng, nông dân nuôi tôm xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho biết, hiện nay hầu hết các ao tôm chỉ mới thả giống trên dưới 1 tháng do năm nay thời tiết lạnh kéo dài nên sản lượng tôm tại các vùng nuôi không đáng kể. Tuy nhiên, điều nghịch lý hiện nay là giá tôm lại giảm mạnh, từ 10.000-20.000 đồng/kg so với tháng trước.

Cụ thể, giá tôm sú các loại giảm 10.000 đồng/kg, hiện chỉ còn 190.000-195.000 đồng/kg đối với tôm cỡ 40 con/kg, tôm cỡ 30 con/kg có giá 200.000-205.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng loại 50 con/kg có giá 115.000-120.000 đồng/kg; tôm loại 100 con/kg giá 80.000-85.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng/kg. Với mức giá hiện nay, người nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ hòa vốn nếu tôm nuôi phát triển tốt và đạt cỡ thu hoạch.

Sức ép đối với doanh nghiệp: Đến từ nhiều phía

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trong quý I/2015 ước đạt khoảng 1,27 tỉ USD, giảm 23% so với cùng kỳ 2014 và là mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm gần đây. Đặc biệt, hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra đều giảm khá mạnh trong hai tháng đầu năm, trong đó xuất khẩu tôm chỉ đạt 348,6 triệu USD (giảm gần 30%), xuất khẩu cá tra chỉ đạt gần 225 triệu USD, giảm 18%.

Bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền (Sotico), cho biết, sản phẩm của doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sang EU, nhưng từ ngày 13/3 tới nay, các nhà nhập khẩu liên tục đòi hạ giá bán do đồng Euro mất giá. Điều này khiến xuất khẩu thủy sản của công ty sang thị trường này chậm lại. Hiện công ty đang tính toán lại cơ cấu giá thành sản phẩm và tiết giảm tối đa chi phí. Tuy nhiên, hiện nay giá xuất khẩu cá tra sang châu Âu chỉ khoảng 2,6 USD/kg, trong khi giá cá tra nguyên liệu đầu vào cao nên nếu giảm thêm thì doanh nghiệp sẽ bị lỗ.

Còn ông Hà Văn Tính, Giám đốc Công ty Đại Thành (Tiền Giang), cho hay, thời điểm này hàng năm nhu cầu tiêu thụ cá tra phi-lê trên thị trường xuất khẩu thường  thấp nên doanh nghiệp ít mua cá nguyên liệu của người dân. Mặt khác, tỷ giá ngoại tệ trong những tháng đầu năm biến động theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp nên hoạt động xuất khẩu cá tra bị ảnh hưởng đáng kể.

Đối với xuất khẩu tôm, theo ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng), năm 2015, nguồn cung tôm từ các nước như Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan tăng, cộng với tỷ giá nội tệ của các nước này so với USD được thả nổi nên giá bán tôm của họ cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó, thuế chống bán phá giá của tôm vào Mỹ ở mức cao nên để xuất khẩu được hàng, các doanh nghiệp phải giảm giá bán. Tuy nhiên, nếu giảm nhiều thì lỗ nên hiện nay nhiều doanh nghiệp buộc phải trữ lại hàng trong kho. Đây là những nguyên nhân khiến tôm nguyên liệu giảm giá trong thời gian qua.

VASEP cho biết, hiện nay có trên 90% doanh nghiệp thủy sản chọn USD là đồng tiền thanh toán thương mại quốc tế cho các đơn hàng. Do đó, sự biến động tỉ giá của đồng tiền này so với các đồng tiền khác đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, thời gian qua đồng tiền tại nhiều thị trường nhập khẩu, nhất là châu Âu, Nhật Bản bị mất giá mạnh so với USD nên các công ty Việt Nam buộc phải giảm giá bán theo đề nghị của nhà nhập khẩu khiến giá tôm và cá tra giảm mạnh.

Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá đô la 1% thời gian gần đây có thể tạo sức cạnh tranh cho nông sản nói chung và sản phẩm thủy sản nói riêng.

Thành Công Kinh tế nông thôn, 15/05/2015