TIN THỦY SẢN

Kinh nghiệm làm giàu từ nuôi tôm thâm canh Quảng Ninh

Anh Khoa đang vận hành máy cung cấp thức ăn tự động tại ao nuôi tôm. Lương Giang

Từ vài năm nay, hộ anh Lê Văn Khoa, khu 11, phường Hà An, TX Quảng Yên đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình nuôi từ quảng canh sang thâm canh công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập.

Anh Khoa cho biết: Trước đây phường có chủ trương chuyển đổi diện tích 156ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, gia đình tôi đã mạnh dạn nhận thầu gần 6ha đất để cải tạo thành đầm nuôi tôm. Ban đầu, tôi nuôi quảng canh (nuôi tôm sú) xong nhận thấy mô hình này có nhiều rủi ro, cuối năm 2017, gia đình đã đưa vào sản xuất thử nghiệm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình thâm canh công nghệ cao hơn 1ha.

Ưu điểm mô hình là kiểm soát tốt dịch bệnh, sản phẩm tôm nuôi tạo ra cho chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thêm nữa, thời gian thả nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn hơn (nuôi hơn 3 tháng) nên gia đình đã tăng từ 1 vụ/năm nuôi quảng canh như trước đây lên 2 vụ/năm nuôi thâm canh. Đặc biệt, sản lượng tôm thâm canh thường cao gấp 10 lần so với nuôi quảng canh. Nhờ đó mà sau 2 vụ tôm năm 2017, gia đình tôi đã thu hoạch được gần 42 tấn tôm, trừ hết chi phí cũng thu về xấp xỉ gần 3 tỷ đồng.

Trước khi có được thành công đó, để tìm hiểu kỹ hơn về kỹ thuật nuôi tôm thâm canh theo công nghệ cao, anh Khoa đã đến các địa phương có nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển như: Hải Phòng, Nam Định, Nha Trang... Anh nhận thấy do trước đây việc đào đắp ao nuôi không phù hợp với kỹ thuật, bờ kè yếu dễ sạt lở, lòng ao nông... khó nuôi tôm thẻ thành công. Vì vậy, từ cuối năm 2016, anh bắt tay đầu tư lại toàn bộ hệ thống ao nuôi bằng cách sử dụng máy móc thu hẹp diện tích ao nuôi lại, nện chặt bờ kè và cuốn bê tông, phủ bạt toàn bộ các ao nuôi.

Theo anh Khoa, nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp không chỉ đầu tư vào cơ sở hạ tầng là xong, mà còn phải kết hợp kinh nghiệm sản xuất với công nghệ lồng ghép. Đây là yếu tố quyết định thành công, bởi nuôi tôm thẻ chân trắng rất cần chú trọng việc đảm bảo nguồn nước, ngoài ao để nuôi trực tiếp còn phải có 2 ao phụ trợ để trữ nước và xử lý nước. Đồng thời, nguồn giống phải được sàng lọc, lấy ở cơ sở chất lượng đảm bảo con giống khoẻ mạnh không bị nhiễm bệnh.


Những con tôm mới thả được 70 ngày tuổi xong đã đạt được tốc độ sinh trưởng tốt khi trọng lượng đạt 60-70 con/kg.

Với kinh nghiệm sử dụng công nghệ mới, đầu năm 2018 gia đình anh đã thả 2 triệu tôm giống chia đều cho 5 ao (mỗi ao có diện tích 1.600m2), sau khi tôm phát triển ổn định anh lại chia tất cả số tôm vào 4 ao để tiện chăm sóc. Hiện tại, anh đang cho thả với mật độ khá dày khi lên tới 250 con/m2, xong vẫn đạt tốc độ sinh trưởng tốt với trọng lượng khoảng 60-70 con/kg, đảm bảo cho việc thu tỉa dãn mật độ trước khi thu hoạch. Nếu tiếp tục giữ vững tốc độ sinh trưởng cho đến khi thu hoạch, sản lượng mà 4 ao tôm mang lại cho gia đình anh còn cao hơn năm trước khi đạt gần 28 tấn tôm/4 ao/vụ (năm ngoái 6 ao chỉ đạt 20 tấn/vụ).

Lương Giang Báo Quảng Ninh