TIN THỦY SẢN

Kỳ công nghề nuôi trai ngọc

Cấy nhân vào trai ngọc là công đoạn đòi kỳ công nhất. Ảnh minh họa: Internet

Ngọc trai là sản phẩm nổi tiếng nhất của đảo Phú Quốc (Kiên Giang) nhưng ít người biết được rằng, nghề nuôi trai lấy ngọc của những ngư dân nơi đây hết sức gian nan, vất vả. Để có được những viên ngọc nhỏ xíu từ những con trai biển, nhiều khi phải bỏ công sức ra tới vài năm trời nhưng cũng không chắc chắn trai sẽ cho ngọc.

Trang sức vô giá

Phú Quốc là nơi đầu tiên ở khu vực phía Nam xuất hiện nghề nuôi cấy ngọc. Tuy nhiên ngọc trai ở Phú Quốc đã có từ trước đó rất lâu. Trong điều kiện tự nhiên, nhiều cá thể trai có ngọc được phát hiện khi ngư dân lặn bắt.

Những lồng bè nuôi trai cấy ngọc

Tất nhiên, những viên ngọc ấy vô cùng quý giá và cũng là những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên thương hiệu ngọc trai Phú Quốc hiện nay.

Cách đây chừng ba chục năm, một số thương nhân người Nhật, người Úc đã tìm tới vùng biển Phú Quốc để bắt đầu nghề nuôi cấy ngọc trai với những kỹ thuật khoa học tiên tiến.

Phương pháp tạo ngọc cho trai khá đơn giản, đó là đưa dị vật (như hạt cát, hạt sạn) vào con trai, bản thân loài động vật này sẽ tiết ra những hợp chất bao bọc dị vật để làm lành vết thương, thời gian sau, hợp chất bao bọc dị vật đó thành ngọc.

Từ đó, có khá nhiều ngư dân ở Phú Quốc đã học được kỹ nghệ cấy ngọc trai này khiến nó thực sự trở thành một nghề của xứ đảo.

Theo thống kê, hiện nay ở Phú Quốc có hàng trăm cơ sở nuôi cấy ngọc trai, trong đó có khá nhiều trại nuôi trai của ngư dân trên đảo. Với kỹ thuật sẵn có và môi trường biển tự nhiên cực kỳ thuận lợi, việc tạo dựng một trang trại nuôi trai lấy ngọc cũng không quá khó khăn với nhiều hộ ngư dân ở Phú Quốc.

Mổ trai lấy ngọc.

Anh Phạm Quốc Tiến, chủ một trang trại nuôi trai ở xã Gành Dầu chia sẻ: “Hiện nay, cơ sở nuôi trai lấy ngọc của tôi đang có khoảng bốn trăm bè với hơn hai ngàn cá thể trai. Tất cả đều là trai đánh bắt tự nhiên ở vùng biển vịnh Thái Lan sau đó đem về thả trong lồng bè. Trước khi thả nuôi, chúng được cấy một hạt cát nhỏ xíu để tạo ngọc. Đây là công đoạn kỳ công nhất vì khi tách vỏ trai ra phải vừa đủ để chúng không bị đau đớn và việc cấy hạt cát, hạt sạn phải đúng vị trí để có thể tạo ngọc được, tuy nhiên chỉ có khoảng 25-30% trong số đó có thể cho ngọc”.

Hơn nữa, chất lượng, màu sắc, kích cỡ của ngọc mà chúng tạo ra cũng không giống nhau trong khi đây chính là những yếu tố ảnh hưởng đến sự sống còn các trại nuôi. “Ví như viên ngọc trai cùng kích cỡ nhưng màu đen huyền có thể giá trị gấp hàng chục lần viên màu trắng” – anh Tiến kể thêm.

Cũng theo chủ trại ngọc trai này, ngoài nguồn vốn đầu tư mua trai, dựng bè, chăm sóc bè thì đặc thù của nghề nuôi trai cấy ngọc là cần nhiều thời gian.

“Có nhiều loại trai hiện nay có thể tạo ngọc chỉ trong vòng nửa năm nhưng đó là ngọc nhỏ, đường kính bé và tất nhiên là giá thành thấp. Hầu hết các loại ngọc trai được sử dụng làm đồ trang sức cao cấp phải có tuổi đời từ ba cho tới năm năm, thậm chí nếu biết chắc có ngọc tốt, có thể để lâu hơn nữa. Nghĩa là, trong thời gian này, rất nhiều cá thể trai không có ngọc nhưng các chủ trang trại vẫn phải giữ lại vì không thể biết chính xác đâu là trai có ngọc, đâu là trai không”, anh Tiến chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những bè nuôi trai ngọc ở Phú Quốc hiện nay chủ yếu tập trung ven biển, cách bờ đất ở đảo khoảng từ 2-3 hải lý.

Đó là các làng chài tập trung cư dân đông đúc như làng Hàm Ninh, Rạch Vẹm, Cửa Cạn, Dương Đông, Rạch Vàm… Những nơi này, mặt nước biển thuận lợi, phù hợp với ngư dân lại dễ dàng có thể đi thuyền ghe ra vào.

Để bảo đảm công việc tốt, hầu hết các lồng bè nuôi trai ngọc này đều có người sinh sống. Phần vì giá trị ngọc trai lớn, phải đề phòng kẻ gian, phần vì phải thường xuyên kiểm tra khả năng tạo ngọc, sức khỏe, sự phát triển của trai theo định kỳ.

Vui buồn cùng ngọc

Nói về các thách thức của nghề nuôi trai lấy ngọc này, một chủ trại trai khác ở xã Hàm Ninh chia sẻ: “Không chỉ vất vả, bấp bênh trong lúc nuôi trai mà ngay cả khi tạo ngọc rồi, việc chế tác và đưa được sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng khá gian nan.

Bây giờ, thách thức lớn nhất với người nuôi trai ngọc chân chính ở Phú Quốc chính là các loại ngọc giả làm từ nhựa, keo tổng hợp và cả ngọc trai từ nơi khác đưa tới.

Máy móc chỉ có thể phân biệt được ngọc thật (tạo ra từ cơ thể sống) và ngọc giả (từ chất liệu tổng hợp) chứ không thể phân biệt được nguồn gốc của ngọc. Vì thế, nhiều loại ngọc trai nước ngọt, ngọc trai Trung Quốc cũng được vận chuyển ra Phú Quốc rồi bán lại cho các địa phương khác, cho khách du lịch.

Ngọc trai Phú Quốc là ngọc trai nước mặn nên có nhiều ưu điểm hơn ngọc trai nước ngọt mà nếu không tinh ý, khách hàng rất dễ bị lừa”.

Có lẽ, việc có quá nhiều sản phẩm ngọc trai kém chất lượng đã khiến cho sức cạnh tranh của những hộ ngư dân nuôi ngọc trai Phú Quốc thêm khó khăn.

Tuy nhiên, tâm sự với chúng tôi, hầu hết các chủ trang trại nuôi trai cấy ngọc đều cho biết, những loại ngọc tốt, đẹp, có giá trị ở Phú Quốc đều được bán với giá cao. Thậm chí không có hàng để bán vì không dễ tạo ra được những sản phẩm như thế bởi quy trình khá hên-xui, con người không thể tự ý quyết định được.

Mặc dù là thứ trang sức cao cấp, đắt giá lên đến hàng chục hay thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi viên nhưng thực tế, hầu hết những người nuôi trai lấy ngọc đều vất vả, cơ cực và nghèo nàn.

“Chúng tôi ngày xưa cũng nuôi cấy trai ngọc nhưng vì nguồn vốn lớn, đầu ra khó khăn, không tạo được thương hiệu để bán nên hiện nay chỉ làm thuê cho các thương nhân nuôi trai ngọc ở trên Sài Gòn xuống mà thôi.

Nghề nuôi trai, tạo ngọc thực ra không quá khó nhưng việc bán được ngọc, thậm chí bán với giá cao mới là điều khó khăn nhất vì hầu hết khách mua ngọc đều là giới thượng lưu. Những ngư dân suốt đời phơi nắng gió trên biển không thể nào tiếp cận được. Vì vậy, chúng tôi chấp nhận nuôi cấy ngọc trai cho các chủ trang trại”, ông Nguyễn Văn Hiếu, một ngư dân nổi tiếng mát tay khi “phẫu thuật” để tạo ngọc cho trai kể thêm.

Ngoài nghề nuôi trai tạo ngọc, hiện nay ở Phú Quốc vẫn còn một số thợ lặn tìm trai để lấy ngọc. Tuy nhiên, họ chỉ còn rất ít vì hiện nay, nghề này gần như không còn đất sống.

“Tỷ lệ trai có ngọc trong tự nhiên cực thấp mà việc săn bắt được trai trên biển cũng ngày càng khó khăn hơn. Vì thế, có khi vài năm các thợ lặn cũng không thể tìm được ngọc trai tự nhiên. Nghề lặn bây giờ chủ yếu sống nhờ vào bán trai, vỏ trai và ốc quanh đảo mà thôi. Như tôi, dù đã gắn bó với nghề lặn trai ngọc nhiều năm ở vùng An Thới, Hàm Ninh, Dương Đông, Bãi Thơm… nhưng hơn chục năm trước cũng phải bỏ nghề, lên lồng bè nuôi trai để tiếp tục sinh kế. Điều an ủi với mình là còn được gắn bó với trai, với ngọc để duy trì thương hiệu ngọc trai Phú Quốc này”, ông Hiếu chia sẻ thêm.

GD&TĐ