TIN THỦY SẢN

Kỳ lạ chuyện cụ ông 75 tuổi với huyền tích vượt thác tử thần

Ông Ngọ khua chèo trên dòng sông Mã.

Dù đã bước sang tuổi 75, nhưng “dị nhân” Đỗ Thế Ngọ (làng chài Tân Phong, thị trấn Cẩm Thuỷ, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá) vẫn mang trong mình một sức mạnh dẻo dai, hiếm có mỗi khi “nghênh chiến” cùng các thác vực trên dòng Mã giang lịch sử.

Và, lạ kỳ thay, ngày nào ông không “cùng quẫy” bên sông nước, không chiến đấu với các thác vực, là ngày đó ông chỉ nằm lỳ một chỗ, ăn ngủ không ngon, sức khoẻ giảm đi trông thấy. Bởi như ông nói, cái nghề sông nước bây giờ, với ông không còn vì mục đích mưu sinh như trước nữa, mà đó là cái thú của đời người, cái liều thuốc bổ của riêng ông để duy trì được sức khoẻ.

Duyên nghiệp

Sinh ra trong một gia đình đông anh em nghèo khó, với nghề sông nước tự bao đời, là người con thứ tư trong số 9 anh chị em, ngay từ nhỏ, ông Ngọ là người may mắn hơn so với các anh chị em khác, khi mới lên 8 tuổi, ông đã được theo ông nội dọc ngang sông nước với nghề chài  lưới, được ông nội dạy bơi, dạy cách bắt cá…

Ông nhớ lại: Lần đầu tiên được cùng ông nội ngược lên thượng nguồn sông Mã để trao đổi muối, mắm… là hàng hoá dưới xuôi lấy hạt bắp, củ khoai, củ sắn… của miền ngược, đem về dưới xuôi bán lại. Khi thuyền ngược đến vực Ngốc Cùng thuộc huyện Cẩm Thuỷ, ông nội đậu thuyền bên hang Cửa Hà, ông bảo tôi đây là vùng “đất lành chim đậu”, nhiều tôm nhiều cá, hai ông cháu tranh thủ nán lại đây câu lấy một ít đem về cho cả nhà.

Vì ham quăng lưỡi cần  ra xa nên tôi đã bị trượt ngã xuống sông. Nếu như là đứa trẻ khác lúc bấy giờ thì đó là cả một thảm hoạ. Còn với tôi khi ấy, dù chỉ mới được ông nội dạy bơi một - hai ngày trước đó, song tôi cũng không hiểu nguồn sức mạnh từ đâu mà ngay lập tức, tôi đã có thể ngoi đầu lên định vị được hướng thuyền, sải tay bơi đến túm mạn thuyền trong giây lát, với sự chủ động theo dõi của ông nội. Ông bảo, “cháu có duyên với sông nước, có duyên với vùng Mã giang này”. Khi đó, ông nào hiểu một cách sâu xa từ những lời ông nội nói…

Nhỏ thì theo ông nội, lớn lên lại được học tiếp từ cha, mới ở độ tuổi 20 nhưng ông đã một mình “nghênh chiến” khắp các thác vực, vượt qua hết những hàm ếch, những tử địa đá ngầm của những khúc sông khó nhất, từ thượng nguồn đến hạ nguồn Mã giang. Và rồi, cũng chẳng bao lâu, khi chàng thanh niên Ngọ đã lớn, trong một lần cập thuyền nơi bến sông Cửa Hà, duyên trời đã định, ánh mắt e lệ của một cô thiếu nữ thôn quê đã làm rung động, níu giữ được trái tim chàng thanh niên Ngọ ở lại với vùng chài Tân Phong cho đến ngày nay.

Với ông, cái duyên nghiệp đến với một người con của vùng sông nước cũng còn là điều dễ hiểu, nhưng cái duyên với làng chài Tân Phong, với khúc sông của vực Ngốc Cùng - cái nơi mà năm xưa ông nội ông đã nói “cháu có duyên với sông nước”, thì quả thực chính ông cũng không thể lý giải nổi sự trùng hợp trên.


Ông Ngọ bên hang Cửa Hà có độ cao cả chục mét

Khắc chế “tử thác”

Trên con thuyền độc mộc thoi nhỏ từ bao năm của mình, ông chở tôi đi một vòng, để cảm nhận cái thú của cảnh vật sông nước nơi đây. Nhìn ông - một lão ngư với nước da màu đồng khoẻ khoắn, những cơ bắp trên hai bả vai cuồn cuộn lộ qua chiếc áo cộc ba lỗ đã sờn dãn; bắp tay, bắp chân nổi lên và biến đổi qua mỗi lần vận sức vào mái chèo với từng địa thế biến đổi của dòng chảy; lồng ngực căng ra như thách thức với những con sóng, những gập ghềnh của thác chảy, cùng một chòm râu bạc trắng…, tất cả như hoà quện lại, như để tôn lên cái vẻ đẹp chung của hình thể, một tượng đài của sông nước, một người hùng trên dòng sông Mã.

Ông kể: Người dân chài luôn nhắc đến 4 địa danh đã đi vào tâm thức của người dân, như những con thú dữ cần phải tránh xa trên sông Mã, nếu không muốn thuyền mình bị “nuốt ngọm” và biến mất mãi mãi, là các địa danh: “Chảy Xuội, chảy Cả, chảy Long và Ngốc Cùng”. Chính sự hung dữ của các thác vực ấy từ bao đời nay và chính ông cũng không biết lịch sử hình thành của nó tự bao giờ, chỉ biết rằng, ai ai sinh ra và lớn lên trên khúc sông này cũng đều thuộc lòng câu ca dao “Nhất chảy Xuội, nhị chảy Cả, ba chảy Long/ Lòng còn ái ngại Ngốc Cùng mà thôi”, để biết hiểm nguy mà tránh.

Trong đó, địa danh Ngốc Cùng nổi lên như một con quái vật hung dữ nhất, với sự giăng mắc của các mỏm đá lớn, với những cái hút nước sâu bất thình lình xuất hiện, những bãi đá ngầm ẩn hiện… đã khiến cho không ít tay chèo lão luyện của làng, khi thử tài đọ sức với nó cũng đều thất bại và chịu thương tích.

Chỉ riêng ông Ngọ, người duy nhất chưa một lần thất bại, luôn đối diện và vượt lên chúng, cưỡi lên chúng để đến với vùng có nhiều tôm, cá… mà chỉ riêng mình ông ngự trị. Ông cho tôi hay, để vượt qua được “con thú” hung dữ tàn bạo này, nhất thiết phải hiểu rõ sự “sinh thường” của nó. Bình thường “con thú” này vẫn lặng yên, êm ả như những người mẹ hiền đang địu con ngủ, nhưng cái đáng sợ của nó là chính ở cái sự phẳng lặng đến bình yên đó, nó là cạm bẫy để dẫn dụ con mồi vào trận địa do nó bày ra, để rồi bất thình lình nổi giận quay quật con mồi…

Khi ông chiến thắng Ngốc Cùng, trai làng chài lúc đó ai cũng ghen tỵ và quyết hạ bại ông bằng thách thức: “Chưa lên thác con Gái, chưa Tam Chung, Quang Chiểu thì chưa xứng làm dân chài tài giỏi”. Sau đó, không phải vì sự hiếu chiến, muốn thể hiện sức mạnh của mình với dân chài, nhưng với trí tò mò, cái nóng lòng muốn khám phá trải nghiệm đã thôi thúc ông lên thuyền, khua chèo đến tận từng thác vực đó để cảm hoá.

Thì ra, đó là những địa danh, những con thú dữ thực sự của thượng nguồn sông Mã, nó nổi tiếng với sự hùng vĩ của những thành vách cao nghiêng, những hang hốc, hầm hố, thác cao vực sâu mà nếu không nắm được sự chủ động của con thuyền, biến chuyển của con chèo trước dòng nước muôn trạng thì sẽ bị nó quật đập và dìm sâu dưới thác vực ma quái. Lúc này, ông đã thực cảm nhận được sức mạnh của đối thủ mà mình “nghênh diện”, nhưng với ý trí bất phục, ông đã vận dụng hết những kinh nghiệm mà mình có, nhớ lại lời dạy của ông nội năm xưa khi khai chiến với tử thác (địa danh mà ông mới chỉ được nghe ông nội nói đến trước đây).

Ông nói, lúc đó, điều quan trọng là phải giữ được bình tĩnh, chủ động mái chèo, xác định chính xác trận địa đá ngầm, lách luột qua những con chảy sinh để thuyền đi đúng hướng, nếu xác định sai, đi nhầm cửa tử thì coi như thất bại.

Liên tiếp vượt qua những trận địa khó nhất, khuất phục những con thú dữ mà không một ai trước đó dám đối mặt, lúc này ông được xem như một người hùng trên dòng Mã giang, một hình tượng học hỏi của con dân làng chài. Nhưng hơn hết, như ông nói: “Đó chỉ là sở thích, duyên phận sông nước. Tôi thực sự hãnh diện, thực sự vui, vì chút tài sức đó có thể đem đến hạnh phúc cho nhiều người, cứu sống được họ trước bàn tay của thủy thần"


Ông Ngọ vui cười bên bạn già cùng xóm chài

Vị cứu tinh của dân chài

Ông nhớ lại trận lũ lịch sử năm 1975 đã nhấn chìm hàng chục ngôi nhà, hàng chục con người phải bì bõm trên sông kêu cứu, thật may vì chính ông cùng một số ngư chài khác đã cứu vớt được tất cả mọi người. Hay như trận lũ kinh hoàng năm 1999, do một khối núi Cửa Hà bị sạt lở ngay vị trí của vực Ngốc Cùng, tạo nên một đợt sóng cao cả chục mét cuốn theo và phá huỷ tất cả tàu bè có trên sông lúc bấy giờ, trong đó có gần hai chục bè cá lồng đến kỳ thu hoạch bị cuốn ra sông; một con tàu kiên cố trọng tải 7 tấn neo đậu bên kia sông cũng bị đánh gãy đôi trong giây lát…, nhưng rất may trận “sóng thần” đó chỉ gây thiệt hại về của cải vật chất, chứ không ai bị làm sao. Có lần, liền một lúc ông cứu được 8 cán bộ, công nhân của Cty lâm sản Cẩm Thuỷ khi họ đang tập bơi thì gặp con nước xiết, lại sâu nên tất cả bị hụt hơi…

Nhưng kỷ niệm mà ông nhớ nhất là lần cứu sống được 3 đứa con nhà ông Cò Chuột người làng chài. Ông kể: Lần đó, khi đang trong bữa cơm trưa thì nghe văng vẳng có tiếng la hét: “Bớ ông Ngọ, mau ra cứu con ông Cò Chuột!”, ông vội bỏ bát xuống chạy ra xem thì thấy những cánh tay đang vùng vẫy dưới nước, nhanh chóng ông nhảy xuống xốc hai đứa lên, rồi lao vội xuống cứu đứa còn lại, khi lên bờ có đứa đã ngất lịm, ông bế xốc đứa bé lên vai chạy quanh một vòng, rồi đặt nó xuống hô hấp nhân tạo…

Sau một hồi cháu đã tỉnh lại, ông vui lắm, bà con mừng lắm, còn gia đình ông Cò Chuột thì một phen mất vía. Đến bây giờ, ba anh em con ông Cò Chuột khi xưa ông cứu chỉ còn lại hai cô, đều đã đi lấy chồng xa, anh con trai thì đã hy sinh trong chiến trận, còn một cô em là Nguyễn Thị Hợp đang sống gần đây, ông vẫn thường qua lại hỏi han tình hình cuộc sống của các cô mà ông đã cứu sống. Dẫn chúng tôi đến thăm nhà chị Hợp, chị vui vẻ tiếp chuyện: “Gia đình chúng tôi biết ơn ông Ngọ lắm, nếu hôm đó không có ông thì gia đình chúng tôi đã gặp đại tang rồi, bây giờ các chị vẫn thường gọi điện thoại về hỏi thăm sức khoẻ của ông…”, rồi chị Hợp cười nói tâm sự với ông Ngọ một cách thân tình.

Cũng bởi sự tin yêu, quý trọng của bà con dân chài mà suốt 20 năm ông được bà con tin yêu bầu làm trưởng làng chài Tân Phong.

Lao động