Kỹ thuật ương giống cá dìa bông trong ao
Năm 2020 Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã triển khai thực hiện mô hình “Ương cá dìa bông (Siganus guttatus, Bloch 1787) từ 2 – 3 cm lên 5 – 7 cm trong ao”, cá sau khi ương đạt tỷ lệ sống trên 80%.
Qua thực tiễn từ việc thực hiện mô hình, chúng tôi xin hướng dẫn một số kỹ thuật ương cá dìa bông từ kích cỡ 2 – 3 cm lên 5 – 7 cm để phục vụ cho việc nuôi thương phẩm đạt hiệu quả cao hơn.
1. Chuẩn bị ao ương
- Diện tích ao ương tốt nhất từ 500 – 1.000 m2, độ sâu ao ương từ 1,2 – 1,5 m.
- Tát cạn ao, diệt hết cá tạp, cá dữ, dọn sạch cỏ quanh mái bờ, lấp hết hang hốc, đắp sửa những chỗ bị sạt lở.
- Vét bớt bùn đáy, rải vôi bột đáy và mái bờ ao với liều lượng khoảng 7 – 10 kg/100 m2. Sau đó phơi đáy ao từ 1 đến 2 ngày.
- Cấp nước vào ao qua lưới chắn lọc để ngăn ngừa địch hại cho cá. Khi mức nước ao đến độ sâu 1 – 1,2 m thì tiến hành gây màu nước. Độ mặn duy trì 15‰ - 28‰, nhiệt độ nước từ 27 – 31○C.
2. Chọn và thả giống
- Cá giống phải có kích cỡ đồng đều (2 – 3 cm/con), có màu sắc tươi sáng, không có dấu hiệu bệnh tật.
- Mật độ thả ương từ 6 con/m2.
- Tốt nhất nên thả cá vào lúc sáng sớm.
3. Thức ăn và quản lý thức ăn
- Sử dụng thức ăn công nghiệp độ đạm >40 %, cho ăn theo nhu cầu ăn của cá.
- Cho cá ăn 3 – 5 lần/ngày, với khối lượng thức ăn chiếm 3 – 5 % trọng lượng thân cá.
- Thường xuyên kiểm tra khả năng sử dụng thức ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý.
- Lượng thức ăn dùng để ương 1.000 con cá giống: ngày đầu tiên khoảng 50 g, tổng khối lượng cho 60 ngày ương khoảng 8,5 kg.
4. Chăm sóc và quản lý
- Thay nước theo nước thủy triều hoặc bơm, đảm bảo các yếu tố môi trường: nhiệt độ, độ mặn, NH3, Oxy, pH đạt trong ngưỡng thích hợp.
- Bổ sung vitamin cho cá ăn và men vi sinh để cải thiện môi trường ao ương.
- Hằng ngày phải chú ý theo dõi hoạt động của cá, mức độ sử dụng thức ăn, tình hình thời tiết để điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý và đạt hiệu quả.
- Thường xuyên kiểm tra, quan sát ao để phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng bất thường như ao bị rò rỉ nước, bờ sụt lở, đăng cống hư hỏng.
- Khi thấy hiện tượng cá nổi đầu khác với bình thường, phải nhanh chóng xác định nguyên nhân để có biện pháp xử lý kịp thời, đồng thời cho nước mới vào ao và tạm thời ngừng cho cá ăn.
5. Phòng và trị bệnh
- Trong khi ương, tiến hành khử trùng nước ao bằng cách dùng vôi bột hoà nước rồi tạt đều khắp mặt ao với liều lượng 1,5 – 2,0 kg/100 m3 nước ao. Có thể dùng chế phẩm vi sinh hoặc formalin xử lý và khử trùng nước ao nuôi để phòng bệnh cho cá.
- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra môi trường nước ao để đảm bảo giữ nguồn nước ao trong sạch. Nếu thấy môi trường xấu, cá kém ăn hoặc xuất hiện bệnh phải có biện pháp xử lý kịp thời.
6. Thu hoạch
- Sau khoảng 60 ngày ương, cá, đạt kích cỡ 5 – 7 cm thì tiến hành thu hoạch cá giống chuyển sang nuôi thương phẩm hoặc bán cho thị trường.
- Tỷ lệ sống của cá ương trong giai đoạn này ít nhất đạt 50%.