Lại lo lũ... nhỏ
Đã gần cuối tháng 8 nhưng mực nước lũ ở các tỉnh ĐBSCL dao động thấp một cách lạ thường. Lũ thấp hoặc lũ về muộn đều khiến nhiều nông dân vùng lũ không vui, thậm chí còn lo lắng bởi thiếu hẳn nguồn lợi thủy sản và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Chờ nước lũ
Đi dọc các huyện đầu nguồn như Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông (Đồng Tháp) vào những ngày này, chúng tôi chứng kiến nhiều cánh đồng khô cạn, chưa có dấu hiệu lũ về. Ông Đoàn Ngọc Anh, ngụ xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, thở dài: “Lúa thu đông ở vùng biên giới đầu nguồn này đã sắp thu hoạch rồi, vậy mà nông dân chờ hoài vẫn chưa thấy nước lũ về. Lũ không về thì đâu có nguồn lợi thủy sản, nông dân sẽ thiệt trăm bề”. Cùng nỗi lo trên, bà Trịnh Mỹ Lệ, cũng ở xã Tân Thành A, cho biết: “Bà con ở miền ngoài thường hay lo lắng về lũ, chứ ở miền Tây thì ngược lại, ai cũng mong lũ về bởi lũ mang lại phù sa bồi đắp đồng ruộng, tháo chua rửa phèn, hạn chế dịch bệnh… nhất là những năm lũ lớn thì nguồn cá, tép sẽ dồi dào, giúp người dân vùng lũ “sống khỏe”. Thế nhưng, sau trận lũ lớn gần nhất vào năm 2011, thì 4 năm nay liên tục xuất hiện lũ nhỏ. Tình hình này khiến bà con sẽ mất nguồn thu nhập trong mấy tháng mùa lũ”.
Không chỉ nông dân Đồng Tháp, những nông dân ở An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ… cũng đang ngóng đợi lũ về. Ông Lê Văn Tèo, ở xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) bộc bạch: “Thời gian qua, các ngành chức năng đã đầu tư hệ thống đê bao khép kín đối với những vùng được quy hoạch sản xuất lúa thu đông. Do đó, không còn lo bị thiệt hại nữa. Thật tình mà nói, bây giờ người dân vùng lũ không còn “sợ” lũ, mà đang mong chờ lũ về để nuôi trồng thủy sản, rồi giăng lưới, đặt lọp… để tăng thêm thu nhập”. Chờ đợi là vậy, song dự báo mực nước lũ ở ĐBSCL năm nay sẽ không cao.
Nhận định về tình hình lũ năm 2016 ở ĐBSCL, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (Bộ NN-PTNT) cho biết, qua theo dõi thì lũ thượng nguồn sông Mekong đang ở mức khá thấp. Cụ thể, mực nước tại trạm Kratie vào giữa tháng 8 vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm (chỉ bằng 67% của năm trung bình). Do đó, mực nước tại Tân Châu và Châu Đốc đang thấp hơn cả năm 2015 (năm lũ rất nhỏ) và thấp hơn rất nhiều so với mực nước trung bình nhiều năm. Dự báo đến ngày 22-8, mực nước tại Tân Châu khoảng 2,2m (thấp hơn mức báo động I 3,5m); tại Châu Đốc khoảng 2,05m (thấp hơn mức báo động I là 3m). Bên cạnh đó, lượng mưa ở các tỉnh Nam bộ và Tây Nguyên trong các tháng 7, 8, 9 và 12-2016 thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15% - 30%. Ngoài ra, dự báo bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông sẽ ít hơn trung bình nhiều năm… Từ những yếu tố trên nên nhận định khả năng năm 2016 lũ ở ĐBSCL sẽ nhỏ. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ khoảng cuối tháng 9 và nửa đầu tháng 10.
Nhiều hệ lụy…
Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL nhìn nhận, với thực tế đang diễn ra ở vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu và theo dự báo của các cơ quan chuyên môn thì nhiều khả năng ĐBSCL tiếp tục “đón” thêm một năm lũ nhỏ.
“Thông thường nếu năm nào lũ lớn thì vụ lúa đông xuân sau đó sẽ trúng mùa, bởi lũ mang lại nhiều phù sa và giúp cải tạo đất rất tốt. Ngược lại, trường hợp lũ nhỏ thì việc canh tác lúa sẽ khó khăn hơn bởi côn trùng, sâu bọ xuất hiện nhiều, chi phí sản xuất cao, lợi nhuận sẽ giảm…”, tiến sĩ Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết. Điều đáng lo ngại là vùng ĐBSCL vừa trải qua cơn hạn, mặn dữ dội nhất trong lịch sử, gây thiệt hại nặng nề cho cây lúa, cây ăn trái, nuôi thủy sản… Bây giờ lũ không về thì đồng nghĩa với người dân miền Tây sẽ chịu thiệt hại “kép”. Sản xuất nông nghiệp tới đây sẽ đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thời vụ canh tác có thể bị xáo trộn. Ngoài ra, hệ sinh thái của vùng ĐBSCL cũng bị ảnh hưởng, tình trạng sạt lở, sụp lún… sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn.
Trước tình hình trên, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam khuyến cáo ngành nông nghiệp và người dân ĐBSCL khi thu hoạch xong lúa hè thu hoặc thu đông thì tranh thủ nhiều giải pháp để đưa nước vào đồng ruộng nhằm làm vệ sinh; kéo dài thời gian nước lũ trong đồng càng tốt. Xây dựng kế hoạch xuống giống lúa đông xuân 2016 - 2017 một cách hợp lý, hạn chế gieo sạ tập trung, đồng loạt nhằm tránh việc sử dụng nước cùng lúc quá nhiều, cũng như xả lũ trong đồng quá ồ ạt. Tiến hành nạo vét kênh mương nội đồng, gia tăng trữ nước trong hệ thống kênh rạch… nhằm sẵn sàng ứng phó nếu trường hợp xảy ra hạn, mặn gay gắt trong mùa khô năm 2017…