Làm giàu tiền tỷ trên vùng đất hoang hóa
Dám nghĩ dám làm, không cam chịu cảnh nghèo khó, ông Nguyễn Văn Liệu ở Thái Bình đã cải tạo vùng đất hoang hóa nuôi trồng thủy sản để phát triển kinh tế gia đình, thu về tiền tỷ mỗi năm.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, ông Liệu tiếp tục tham gia sản xuất nông nghiệp nhưng cuộc sống vẫn hết sức khó khăn. Với hy vọng có thêm thu nhập cho gia đình, ông rời quê hương đi tìm việc làm. Sau nhiều lần vào Nam không tìm được công việc ổn định nhưng ông lại có cơ hội học hỏi, tham quan các mô hình nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao của bà con nông dân. Về địa phương, chứng kiến hàng trăm héc-ta vùng ao đầm, đất bãi ven sông Diêm Hộ bị bỏ hoang, ông ấp ủ ý định sẽ lập nghiệp trên mảnh đất này. Năm 1996, ông vận động anh em, bạn bè chung nhau góp vốn, nhận thầu hơn 30ha vùng bãi ven sông để cải tạo, khai thác tôm, cá tự nhiên và nuôi trồng thủy sản. Con đường lập nghiệp vốn không ít gian nan khiến gia đình ông nhiều lúc rơi vào cảnh trắng tay, bế tắc nhưng với ý chí vững vàng, ông không chịu lùi bước trước khó khăn.
Xác định muốn nuôi trồng thủy sản hiệu quả cần phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô, ông đã vay vốn cải tạo ao nuôi, đắp đập, xây cống để điều tiết nước, bảo vệ các đối tượng nuôi trong mùa mưa bão, đồng thời theo học chuyên ngành thủy sản để trang bị kiến thức cơ bản, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó mới mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Ông Liệu cho biết: Năm 1999, sau khi nuôi thử nghiệm tôm sú, cua xanh và có vụ thu hoạch thắng lợi đã tạo động lực để tôi tiếp tục đầu tư sản xuất. Tôi chuyển nhượng lại hơn 20ha bãi, đầm cho các hộ gia đình có nhu cầu, hơn 9ha còn lại được tập trung cải tạo để tiếp tục nuôi tôm sú và cua xanh theo hình thức thâm canh và bán thâm canh.
Những tưởng mô hình nuôi tôm sú và cua xanh sẽ phát triển ổn định và mang lại nguồn thu lâu dài cho gia đình ông. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm sú và cua xanh dần dần kém hiệu quả do ô nhiễm môi trường nước, hệ sinh thái ở đáy ao bị suy thoái đã khiến dịch bệnh xảy ra liên tiếp, ông nhận ra rằng cần phải thay đổi đối tượng nuôi phù hợp. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, ông chọn cá vược làm đối tượng nuôi thay thế vì đây là loài cá có sức khỏe tốt, sinh trưởng nhanh, thịt thơm ngon, có tiềm năng xuất khẩu, cho giá trị kinh tế cao. Ông Liệu cho biết: Ban đầu tôi nhập cá giống từ miền Nam về ương nuôi nhưng cá vược chịu rét kém, tỷ lệ sống qua mùa đông thấp, chỉ đạt 20% nên đến vụ nuôi mới không đủ con giống, phát sinh chi phí do phải mua thêm con giống với giá cao và không chủ động được sản xuất. Hơn nữa, vào mùa hè, nhu cầu thức ăn của cá vược rất lớn nên lượng thức ăn dư thừa, chất thải từ cá ra ao nuôi gây ô nhiễm môi trường nước, làm phát sinh dịch bệnh. Để khắc phục những tồn tại trên, tôi tự nghiên cứu quy trình kỹ thuật nuôi cá vược qua đông và kỹ thuật nuôi xen ghép 3 đối tượng cá vược, cá rô phi và con vọp. Thành công của 2 quy trình đã cho tỷ lệ cá vược giống sống qua đông rất cao đạt 98,9% và năng suất cá thương phẩm đạt trên 8 tấn/ha. Đồng thời tạo ra chu trình nuôi khép kín, tận dụng tối đa diện tích nuôi, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập từ các đối tượng nuôi ghép, giảm thiểu một số tác hại do thời tiết, môi trường, mầm bệnh gây ra. Nhờ đó mà tôi chủ động được nguồn giống cho các vụ nuôi, giảm giá thành đầu vào, cơ sở sản xuất trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp cá giống, vọp giống, cá thương phẩm cho nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh.
Nhờ ý chí, nghị lực quyết tâm vượt khó và ham học hỏi, sáng tạo trong lao động sản xuất, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, ông Liệu đã được hưởng thành quả xứng đáng. Hiện nay, thu nhập bình quân của gia đình ông đạt từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng và việc làm thời vụ cho hàng chục lao động với thu nhập 3,6 triệu đồng/người/tháng.