Làm giàu từ chế biến bong bóng cá
Từ phụ phẩm ở các nhà máy chế biến thủy sản, nhưng qua bàn tay của người nông dân, bong bóng cá tra, cá ba sa lên ngôi, khai sinh ra ngành nghề mới, đem lại thu nhập cao cho chủ cơ sở và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Một trong những nông dân phất lên khá nhanh từ mô hình chế biến bong bóng cá là anh Trần Văn Ngây, sinh năm 1968, ngụ ấp Trung Bình, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn. Xuất thân từ nông dân học chỉ lớp 4, nhưng nhờ chịu khó tìm tòi học cách làm ăn, người thanh niên này đã kinh qua rất nhiều nghề như nuôi thỏ, ba ba, cá tra, trồng các loại cây ăn trái ngắn ngày… nhưng đều thất bại, hoặc hiệu quả mang lại không như mong muốn. Không chịu đầu hàng, anh đến các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bình Phước… tìm mô hình làm ăn mới thì cái duyên với nghề bong bóng cá tình cờ đến với anh từ sự mách nước, chỉ dẫn sơ bộ về cách làm của một người vừa quen biết ở Tiền Giang.
Về nhà, Trần Văn Ngây bắt tay làm thử và gặp ngay sự cố là sản phẩm không đạt yêu cầu. Không chùn bước, anh lên mạng tìm hiểu, tìm thầy hướng dẫn nên thành công đã đến với người chịu khó. Để tạo chỗ đứng vững chắc, trước hết thông qua bạn bè, người thân ở Thái Lan và Trung Quốc, Trần Văn Ngây trực tiếp tìm đối tác ký hợp đồng thu mua, sử dụng mặt hàng mình chế biến mà không qua đầu mối trung gian và tự vận chuyển sản phẩm đến nơi. Chính điều kiện quan trọng này đã tạo thế mạnh cho nhà sản xuất mà không phải ai cũng dễ dàng gầy dựng.
Hiện nay, bình quân mỗi tháng, cơ sở anh Trần Văn Ngây sơ chế khoảng 20 tấn, mỗi tấn thu khoảng 24 triệu đồng, trừ chi phí nhân công (1kg là 5.000 đồng), nguyên liệu và điện nước… mỗi năm anh lãi trên 1 tỷ đồng. Nói về nghề này, anh Trần Văn Ngây thố lộ: “Đây là nghề thấy rất dễ ăn nhưng sơ sẩy thì lỗ lã như chơi.
Bởi từ bong bóng cá tươi đến ướp muối phải qua khá nhiều công đoạn. Trước hết phải rửa sạch, lộn ngược bong bóng cá để lấy chỉ máu và gân, sau đó lại rửa ngâm muối 1 ngày, 1 đêm trong môi trường quy định để bong bóng cá sạch và trắng. Kế tiếp, nong bong bóng cá vào ống cao su, đem phơi nắng 2 ngày cho khô.
Khi gặp lúc mưa, trời âm u, không nắng phải có lò sấy xử lý ngay. Bình quân 10kg bong bóng tươi cho ra trên 2kg thành phẩm. Sơ chế xong phải phơi khô mới đưa vào trong kho dự trữ với nhiệt độ thích hợp. Ngoài cái khó tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm thì việc ký kết hợp đồng với các nhà máy chế biến thủy sản để bảo đảm nguồn nguyên liệu cũng là một nan giải”.
Hiện tại, dù đang ngon cơm, ngọt canh với nghề bong bóng cá, nhưng anh Ngây vẫn khai sinh thêm mô hình sơ chế khô mực, được “biến tấu” từ kỹ thuật chế biến bong bóng cá. Bình quân mỗi tháng, trừ các khoản chi phí anh thu nhập trên 40 triệu đồng. Nói về mô hình làm ăn của anh Trần Văn Ngây, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Thoại Giang Đinh Văn Hiền cho biết: “Từ việc làm ăn hiệu quả đã giúp gia đình anh Trần Văn Ngây khấm khá, qua đó tạo được việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động nhàn rỗi ở địa phương, có lúc vào vụ lên đến 150 người, thu nhập từ 80.000 đồng-100.000 đồng/người/ngày. Từ mô hình làm ăn này, nhiều cơ sở đã mọc lên, làm cho diện mạo nông thôn khởi sắc hẳn lên”.
Anh Trần Văn Ngây là 1 trong 6 người được chọn báo cáo điển hình tại Đại hội tuyên dương nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi vừa qua của huyện Thoại Sơn và trong 2 năm liên tục được UBND tỉnh tặng Bằng khen, được địa phương tặng nhiều Giấy khen. Cùng với niềm vui trên, anh Ngây phấn khởi hơn vì đã đứng vững được với nghề, đang đầu tư thêm trang thiết bị mới để mở rộng sản xuất.