TIN THỦY SẢN

Làm giàu từ mô hình nuôi cá trong ao bán nổi

Mô hình nuôi cá trong ao bán nổi cho hiệu quả kinh tế cao An Nhi

Mô hình nuôi cá trong ao bán nổi ở Hưng Yên đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi, hiệu quả cao gấp 5 lần so với nuôi truyền thống.

Dự án phát triển thủy sản trong ao bán nổi được tỉnh Hưng Yên phê duyệt tại 6 huyện: Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi, Phủ Cừ, Tiên Lữ. Tỉnh có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi, tất cả diện tích cấy lúa hiệu quả thấp sang mô hình nuôi thủy sản ao bán nổi với mức tối thiểu phải có 1 ha trở lên. Các dự án được hỗ trợ phải nằm trong qui hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản. Chi cục Thủy sản sẽ hỗ trợ tiền đào, đắp, hệ thống điện, cấp thoát nước, tổng trị giá hỗ trợ không vượt quá 30% tổng mức đầu tư/ha.

Hiệu quả nuôi trồng thủy sản trong ao bán nổi so với mô hình nuôi trồng thủy sản truyền thống tăng gấp 5 lần, đã có những hộ có thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Đây cũng là một trong những chủ trương lớn lớn của tỉnh Hưng Yên trong việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Ông Lưu Văn Dũng - Thôn Thọ Lão, xã Quang Hưng, Phủ Cừ, Hưng Yên, thực hiện mô hình nuôi cá trên ao bán nổi được gần 1 năm, cảm nhận rõ hiệu quả từ mô hình này. Các ao nuôi diện tích lớn nhưng đều được cho ăn, sục khí tự động nên không tốn quá nhiều nhân công. Chủ lực trong các ao nuôi của ông Lưu Văn Dũng là chép lai V1, trạch sông, trắm đen. Hiện trang trại của ông Dũng cung cấp giống cho cả nước. Dù thị trường rộng lớn và nhu cầu tăng cao nhưng diện tích vẫn còn hạn hẹp.

Ông Vũ Văn Điệp – Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Một số huyện ở vùng úng, trũng chuyển sang nuôi trồng thủy sản trong ao bán nổi là một trong những bước đi đúng đắn. So với cấy lúa thì hiệu quả rất cao, thậm chí tốt hơn cả những ao nuôi thâm canh trong những vùng nước tĩnh trong khu vực đông dân cư. Ở đây diện tích rộng nên lượng ô xy giàu nên sinh trưởng của cá tốt, hạn chế dịch bệnh, đỡ một phần trong thu hoạch.

Cùng với đó, việc chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại trồng lúa; không được sử dụng xi măng, cát, sỏi, gạch để xây dựng nhà quản lý nuôi trồng thủy sản; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất.

Hiện nay, trong toàn tỉnh có một số tổ chức và cá nhân đã áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi thủy sản. Nhiều hộ dân đã tập trung đầu tư vốn, công sức và các điều kiện về khoa học kỹ thuật để phát triển nuôi thủy sản theo hướng nuôi thâm canh tập trung, quy mô trang trại.

Dự án phát triển nuôi  thủy sản trong ao bán nổi tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2019 - 2021 góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nuôi trồng thủy sản trong ao. Các cơ sở nuôi thiết kế theo đúng quy trình kỹ thuật nuôi, đảm bảo đáp ứng được điều kiện nuôi thâm canh theo hướng VietGAP; qua đó góp phần nâng cao năng suất nuôi của các cơ sở tham gia dự án đạt trung bình từ 10 - 15 tấn/ha/01 chu kỳ nuôi, gấp 1,5 - 2,0 lần so với năng suất nuôi trung bình hiện nay (năm 2018 năng suất nuôi trung bình đạt trên 7,0 tấn/ha); sản phẩm của các cơ sở nuôi đạt tiêu chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm nên giá trị sản phẩm NTTS  được nâng cao và đáp ứng được nhu cầu tiêu thu của thị trường; đồng thời, dự án góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập của người dân được nâng cao theo hướng bền vững.

An Nhi VOV