Làm giàu từ nghề bán mê cua
Trước giờ khi nói đến nghề ương, dèo cua giống, người ta thường nghĩ ngay đến ấp Cái Trăng, xã Hàm Rồng. Tuy nhiên, có ai biết được rằng, để có được những mẻ cua tiêu, dưa, me thành công phải cần đến những mê cua (trứng cua) chất lượng, những mê cua đó chỉ có thể có được từ những làng nghề như ở khóm Tắc, thị trấn Năm Căn (Cà Mau).
Tiếp chuyện với chúng tôi nhưng cứ cách 15 phút là chị Văn Tú Hồng lại chạy vào trong nhà để xem cua đẻ chưa. Chị bảo: “Làm nghề này phải vậy. Vào cao điểm còn cực hơn canh người ta đẻ (vì người ta đẻ biết kêu la, còn cua thì không). Nếu không phát hiện kịp để đắp cát cho chúng thì trứng sẽ nằm loang lổ trên cát, chất lượng giảm”.
Chị Hồng phấn khởi: “Thấy vậy chứ cũng được lắm à nghen. Mặc dù là nghề phụ nhưng thu nhập chính đó. Muốn sắm sửa gì thì cũng phải đợi cua đẻ”.
Tổ hợp tác (THT) nuôi cua mẹ, dèo cua con mặc dù mới thành lập vào đầu năm 2015 nhưng nhiều bà con trong ấp đã sống được bằng nghề này từ lâu lắm rồi. Ông Trịnh Trường Giang, Trưởng khóm Tắc, thị trấn Năm Căn, bộc bạch: “Cũng nhờ thiên nhiên ưu đãi cho nguồn nước sạch và độ mặn cao từ sông Cửa Lớn mà vùng đất này nuôi dưỡng cua mẹ rất tốt. Nhiều người từ Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vũng Tàu, Bạc Liêu, thậm chí ở Hà Nội cũng tìm đến tận nơi để mua”.
THT có 18 thành viên, chủ yếu là nuôi vỗ cua mẹ để bán mê, một số ít dèo lại cua con để bán tại địa phương. Từ khoảng tháng 11 đến tháng 7 âm lịch là vào cao điểm của nghề này. Khắc nghiệt một điều là mùa này lại là mùa các nước vào dịp lễ, Tết nên lượng tiêu thụ cua gạch tăng lên khiến giá cua đội lên rất cao (chính vì lý do này mà nhiều người ngán ngại với nghề). Chị Văn Tú Hồng bộc bạch: “Cua mẹ phải là loại nhứt, đủ gạch (khoảng 450 - 500 gram/con). Bình quân mỗi ký cua khoảng từ 500.000 - 700.000 đồng. Tuy nhiên, nếu cho đẻ thành công thì mỗi con bán được từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng, tuỳ theo loại trứng cua mẹ đẻ ra. Trứng có màu xám bán giá cao hơn trứng màu vàng và trứng màu cam. Sợ nhất là vào mùa lạnh vì rủi ro cao. Nếu không đủ kinh nghiệm thì rất khó trụ lại với nghề, bởi nếu lô cua nào về để hoài không đẻ thì cũng tự rũ xác và chết, coi như mất vốn".
Anh Trần Văn Nam, Tổ trưởng THT, chia sẻ kinh nghiệm: “Quan trọng nhất là khâu chọn lựa con giống để mua từ thương lái có uy tín. Mua được con giống tốt là thành công một nửa rồi. Sau khi đem cua mẹ về, rửa sạch sẽ rồi bịt một mắt lại và cho vào thùng nước đã được lóng trong, lọc kỹ để chờ cua “khai hoa nở nhuỵ”. Sau đó là đến công đoạn cho ăn và canh chừng khi cua chuyển dạ thì chuyển sang thùng nước có lớp cát bên dưới để cua bảo quản trứng được tốt hơn. Tuỳ theo màu sắc của trứng mà có giá cao hay thấp. Thông thường mê cua sau khi đẻ được đem đi tiêu thụ, còn cua mẹ thì được thả về với biển”.
Người dân ở khóm Tắc, thị trấn Năm Căn nhiều năm nay coi thu nhập từ nghề bán mê cua như thu nhập chính bởi thời tiết không thuận lợi nên vuông tôm không còn dồi dào như trước. Nhờ có nghề nuôi mới này mà khóm đã xoá gần hết hộ nghèo (giờ chỉ còn bốn hộ). Mặc dù nghề cho thu nhập khá cao nhưng vốn cũng lớn nên người dân hạn chế trong mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, trong khóm nếu ai không làm nghề nuôi cua đẻ thì dèo cua con. Ông Trần Hớn Són trước đây là hộ nghèo trong khóm, từ khi phát triển mô hình mua mê cua về dèo và bán cua con thì thu nhập của gia đình dần ổn định và phát triển.
Ông Són bộc bạch: “Tôi làm nghề này được hai năm nay rồi, mỗi tháng lãi khoảng 4 triệu đồng”. Công việc chính của ông Són là tìm mua những mê cua mới vừa đẻ, dèo lại để thành cua tiêu, dưa, me và bán lại cho các chủ vuông nuôi. Theo ông, tỷ lệ đạt đầu con khoảng 70 - 80%, tuỳ theo màu trứng (vàng, xám, cam) mà giá cả và tỷ lệ sống khác nhau.
Hiện nay, nghề nuôi cua thâm canh, xen canh trong vuông trên địa bàn tỉnh đang phổ biến. Giá cua cũng ở mức cao nên nông dân có lãi nhiều. Chính điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khóm Tắc Năm Căn phát triển và ngày càng bền vững nghề này. Tuy nhiên, trăn trở nhất của bà con trong THT nuôi cua mẹ, dèo cua con ở khóm Tắc Năm Căn chính là việc tiếp cận vốn Nhà nước còn nhiều khó khăn.
Chị Văn Tú Hồng bộc bạch: “Phải chi được hỗ trợ vốn (vay với lãi suất thấp) thì ở đây sẽ có nhiều người mở rộng sản xuất và vươn lên khá giàu. Nghề này cơ bản là sống được, nhưng vì thiếu vốn nên bà con chưa dám mạnh dạn đầu tư khoa học - kỹ thuật hiện đại để mở rộng diện tích cũng như quy mô sản xuất"./.