TIN THỦY SẢN

Làm giàu từ nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ

Bình quân mỗi năm, gia đình anh Hồ Khắc Công Giàu thu lãi trên 300 triệu đồng nhờ nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện Thác Mơ T. Hương

Tận dụng lòng hồ thủy điện Thác Mơ, những năm qua anh Hồ Khắc Công Giàu (43 tuổi) ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín (Phước Long) đã làm lồng bè nuôi cá chép, lóc. Mỗi năm gia đình anh Giàu bán ra thị trường hàng chục tấn cá, thu về trên 300 triệu đồng lợi nhuận.

Anh Hồ Khắc Công Giàu bắt đầu làm lồng bè nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ từ năm 2016. Ban đầu anh chỉ nuôi cá lóc, sau 6 tháng gia đình anh xuất bán lứa đầu tiên và thu lãi gần 100 triệu đồng. Hiện gia đình anh có 45 lồng nuôi cá (9m2/lồng), hằng năm bán ra thị trường hàng chục tấn cá, trừ chi phí lãi trên 300 triệu đồng. “Để nuôi cá lồng bè đạt hiệu quả cao và hạn chế rủi ro, tôi vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc nên cá lớn nhanh, tạo nguồn thu nhập ổn định” - anh Giàu nói.

Nuôi cá trong lồng có nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, nuôi đạt mật độ cao. Đặc biệt nguồn nước luôn lưu thông nên thuận lợi cho cá sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, cá rất dễ mắc bệnh nấm da khi thời tiết giao mùa. Vì vậy, anh Giàu đặc biệt chú trọng việc kiểm tra, vệ sinh lồng bè nhằm tạo sự thông thoáng, tăng hàm lượng ôxi trong nước và chống ký sinh trùng cho cá. Anh cũng thường xuyên theo dõi độ lớn của các loại cá để tách đàn và bổ sung khoáng chất, thuốc phòng ngừa dịch bệnh cho cá khi cần thiết. Thức ăn cho cá, anh Giàu chọn loại cám dạng viên nổi, không tan trong nước để hạn chế hao hụt và giảm ô nhiễm môi trường nước. Đặc biệt, sau mỗi đợt thu hoạch, anh đều xử lý rêu bám trên lưới và phơi nắng khoảng 20 ngày. Sau đó rải vôi kết hợp với muối để khử trùng và hạn chế các ký sinh trùng gây bệnh trước khi thả giống mới nuôi đợt tiếp theo. Nhờ đó, cá của gia đình anh Giàu luôn phát triển tốt và cho năng suất cao. Tuy nhiên, để tiện chăm sóc và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, anh Giàu chọn nuôi cá theo hình thức gối đầu. Trung bình 2 tháng anh thả cá giống một lần, khoảng 10.000 con cá lóc và 4.000 cá chép. Đối với cá lóc, một lồng anh thả khoảng 5.000 con và cá chép khoảng 500 con/lồng. Mỗi tháng, gia đình anh bán ra thị trường khoảng 1 tấn cá với giá dao động từ 37-42 ngàn đồng/kg cá lóc và từ 25-28 ngàn đồng/kg cá chép, lợi nhuận thu về bình quân mỗi tháng khoảng 25 triệu đồng.

Anh Giàu cho hay, tính riêng chi phí thức ăn công nghiệp dạng cám viên cho cá đã chiếm một khoảng không nhỏ trong đầu tư chăn nuôi. Hiện trên thị trường giá cám khoảng 400 ngàn đồng/bao 50kg. Bình quân mỗi lồng cá hết khoảng 12 triệu đồng tiền thức ăn cho đến khi thu hoạch. Vì vậy, để tiết kiệm chi phí, ngoài sử dụng cám công nghiệp, anh Giàu còn tận dụng nguồn cá sơn sẵn có ở lòng hồ để bổ sung thức ăn cho cá. Nhờ vậy, cá của gia đình anh luôn đạt chất lượng, thịt chắc, ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Không những nuôi cá giỏi, anh Giàu còn là trưởng thôn gương mẫu luôn đi đầu trong các phong trào. Anh Giàu cho biết: “Hiện thôn Bàu Nghé có 150 hộ dân, trong đó khoảng 80 hộ sống bằng nghề đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ. Với kinh nghiệm nuôi cá lồng bè đạt hiệu quả kinh tế cao, nếu hộ dân nào có nhu cầu nuôi, tôi sẵn sàng hỗ trợ kinh nghiệm và kỹ thuật”.

T. Hương Báo Bình Phước