Lận đận với nghề nuôi cá tra - Bài 2: Không mặn mà với tiêu chuẩn VietGAP
Trong bối cảnh khó khăn chung, việc nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP được xem là hướng đi khá an toàn, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Song, người nuôi trong tỉnh vẫn chưa mặn mà với hướng đi này, bởi nhiều lý do khác nhau.
Trải qua hơn 10 năm thăng trầm với nghề nuôi cá, ông Chung Văn Tài, ở ấp Đông An 2, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, bùi ngùi chia sẻ: “Có thể nói, bây giờ con cá tra dần đi vào bế tắc giống như con cá rô đồng Hậu Giang. Bởi người dân dù có nuôi theo quy trình VietGAP mà ngành nông nghiệp khuyến cáo thì vẫn chào thua với giá bán hiện tại”.
Người nuôi thất vọng
Theo ông Tài, lâu nay chỉ có thương lái ngoài tỉnh đến tận ao thu mua sản phẩm. Họ là người quyết định về giá cả và không cần biết bà con nuôi theo tiêu chuẩn gì, miễn xem cá có đúng cỡ, đủ thịt phi lê hay chưa rồi mới đưa ra quyết định bắt cá. Nhưng thường thì họ hay chê cá thế này thế nọ để ép giá người dân. Vì thế, hầm cá tra hơn 3.000m2 của ông, ước khoảng 100 tấn cá đã đến lứa bán, nhưng đến nay vẫn chưa xuất được nên nguy cơ “sạch” vốn rất là cao.
Còn theo một số người nuôi cá tra ở thị xã Ngã Bảy, khi áp dụng nuôi theo VietGAP, năng suất cá trong ao rất ổn định, sản phẩm luôn đạt theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Song, cách nuôi này buộc người dân phải thả nuôi theo quy trình bài bản như ghi chép sổ sách, áp dụng kỹ thuật nghiêm ngặt nên kỳ công và nặng chi phí. Mặt khác, phải tuân thủ mật độ thả nuôi, cũng như cách sử dụng thuốc chặt chẽ.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất là hiện nay trong tỉnh chưa có cơ sở sản xuất con giống uy tín, đa phần người nuôi mua con giống trôi nổi dẫn đến hiệu quả đạt thấp do cá chậm lớn. Chưa kể nguồn thức ăn cho cá kém chất lượng nhưng giá ở mức cao, kéo theo giá thành sản xuất đội lên rất nhiều, nên người nuôi luôn đối mặt với rủi ro thua lỗ nặng. Trong khi đó, mô hình liên kết 4 nhà, đưa sản phẩm của người dân đến tay doanh nghiệp chế biến vẫn còn khá lỏng lẻo.
Ông Lê Văn Kiềm, ở ấp Mỹ Thạnh, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho rằng: “Trong điều kiện khó khăn chung, bà con nơi đây rất đồng tình với chủ trương thả nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Thế nhưng, điều chúng tôi cảm thấy thất vọng chính là chưa có một công ty, doanh nghiệp nào dám đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch cho bà con”.
Rất khó duy trì
Thực tế là có không ít lần ông Kiềm đã cất công tìm kiếm và mời gọi những công ty thủy sản lớn trong và ngoài tỉnh đến ký hợp đồng thu mua sản phẩm, với mong muốn hợp tác sản xuất ổn định lâu dài, nhưng vẫn không thành. Hệ quả là sau 4 năm thả nuôi liên tiếp, hộ ông Kiềm đều thâm hụt vốn đầu tư nghiêm trọng. Gần đây nhất là cách nay hơn 1 tháng, ông xuất bán khoảng 54 tấn cá tra thương phẩm, với giá 20.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí, ông lỗ hơn 250 triệu đồng.
Theo ông Kiềm, chỉ cần mỗi ký cá tra thương phẩm theo quy trình VietGAP lời khoảng 500 đồng, ông có thể thả nuôi tiếp. Đằng này ngược lại, tốn công, tốn chi phí mà thủ huề còn khó. Do đó, người dân e ngại với mô hình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP là chuyện khó tránh khỏi. “Tới đây, rất cần các cơ quan chuyên môn của tỉnh có những động thái tích cực hơn nữa để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chặt chẽ. Mặt khác, cần quy hoạch xây dựng vùng chuyên sản xuất con giống chất lượng cao, phục vụ tốt quá trình nuôi của bà con, nhằm hạn chế rủi ro, giảm giá thành sản xuất”, ông Kiềm kỳ vọng.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp Trần Văn Tuấn đánh giá: Năm nay, diện tích nuôi cá tra ở địa phương sụt giảm đáng kể. Một phần, do Hợp tác xã sản xuất thủy sản Hưng Điền, ở ấp Mỹ Thạnh, xã Tân Phước Hưng đã giải thể, vì giá cá bán ra luôn ở mức thấp hơn giá thành sản xuất. Mặt khác, người nuôi thua lỗ, ngân hàng không giải ngân cho họ vay vốn nên đa số người dân thả nuôi cầm chừng. Cho nên việc áp dụng nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP tuy có hiệu quả nhưng rất khó duy trì thực hiện.
“Trước mắt, đề nghị các ngành chức năng cần quan tâm tạo ra cơ chế phù hợp, thu hút các công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, cần quy hoạch vùng nuôi tập trung để dễ dàng cho công tác quản lý. Ngoài ra, về phía ngân hàng có thể tiếp tục bổ sung thêm vốn hỗ trợ người dân tái sản xuất, chờ thời cơ vực dậy nghề nuôi cá tra đầy tiềm năng tại địa phương”, ông Tuấn kiến nghị.
Thông tin từ cơ quan chuyên môn Hậu Giang, thời gian qua một số hợp tác xã (HTX) trong tỉnh đã triển khai mô hình nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP. Đó là HTX Thủy sản Đại Thắng, ở xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy và HTX sản xuất thủy sản Hưng Điền, ở ấp Mỹ Thạnh, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, với tổng diện tích khoảng 10ha. Tuy nhiên, đến nay hầu như không còn xã viên nào thả nuôi cá tra theo tiêu chuẩn này.