Lần đầu tiên ghi hình mực khổng lồ dài 8m
Ngày 7-1, một nhóm các nhà khoa học quốc tế công bố hình ảnh loài mực khổng lồ dài 8m mà họ ghi hình được dưới vùng biển sâu Thái Bình Dương.
Theo tờ The Japan Daily Press, các nhà khoa học tại Bảo tàng khoa học quốc gia (Nhật), Đài truyền hình NHK (Nhật) và kênh truyền hình Discovery (Mỹ) đã hợp tác thực hiện ghi hình loài mực khổng lồ nêu trên.
Sau khi thực hiện gần 100 cuộc thám hiểm với khoảng 100 giờ bên trong chiếc tàu lặn vào tháng 7-2012, ba nhà khoa học - trong đó có chuyên gia nghiên cứu mực Tsunemi Kubodera, làm việc tại Bảo tàng khoa học quốc gia Nhật - đã mỉm cười khi quay thành công thước phim con mực khổng lồ dài khoảng 8m đang bơi dưới độ sâu 900m ở vùng biển phía Bắc Thái Bình Dương - nằm cách đảo Chichi khoảng 15 km về phía đông.
“Cơ thể con mực có màu bạc với đôi mắt đen khổng lồ. Nó đang bơi ngược chiều dòng nước và giữ mồi bằng những xúc tu. Thân hình nó được chiếu sáng và nhìn quá đẹp. Tôi rất vui mừng khi nhìn thấy nó. Đây là lần đầu tiên quay được con mực khổng lồ trong vùng biển sâu Thái Bình Dương - nơi có rất ít oxy và áp lực nước rất lớn”, ông Kubodera vui mừng kể lại.
Động vật không xương sống khổng lồ này có tên khoa học Architeuthis. Có nhiều huyền thoại liên quan tới loài mực khổng lồ khi các báo cáo của các thủy thủ cho biết đã nhìn thấy nó trong nhiều thế kỷ. Ngoài ra, “quái vật biển mực” cũng được cho là đã tấn công các con tàu ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Scandinavia thuộc bắc Thái Bình Dương.
Trước đó, vào năm 2006, ông Kubodera cũng đã ghi lại hình ảnh một con mực khổng lồ dài 3,5m sau khi sinh vật này bị mắc câu cũng tại vùng biển phía bắc Thái Bình Dương - cách thủ đô Tokyo khoảng 1.000km về phía Nam.
Sau hai lần phát hiện thấy mực khổng lồ tại cùng một vùng biển vào 2006 và 2012, các nhà khoa học cho rằng vùng biển trên có thể là môi trường sống chủ yếu của loài mực khổng lồ.