TIN THỦY SẢN

Lan tỏa hoạt động bảo vệ rùa biển quý hiếm

Rùa biển cần được bảo vệ để bảo tồn nguồn đa dạng sinh học cho đại dương. Vũ Đình Thung

Thấy con vích, 1 loại rùa biển quý hiếm nằm trong sách Đỏ còn sống được bán ngoài chợ, ông Cường mua, rồi liên hệ với ngành chức năng thả về với biển.

Ông Nguyễn Văn Cường (SN 1974) ở thôn Phương Phi, xã Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định) đang đi chợ thì phát hiện thấy một con rùa biển dài 60cm, nặng 28kg còn sống được bày bán.

Nhận biết cá thể rùa biển này là một loài vích, một trong 5 loài rùa biển quý hiếm nằm trong sách Đỏ Việt Nam cần được bảo vệ, bảo tồn. Không nghĩ ngợi, ông Cường đã bỏ tiền túi ra mua con rùa này rồi liên hệ với Chi cục Thủy sản Bình Định để thả về biển.


Người dân hiếu kỳ đến xem con rùa biển quý hiếm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tăng cường công tác bảo vệ, bảo tồn các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, đặc biệt là loài rùa biển là hoạt động được Chi cục Thủy sản Bình Định thường xuyên thực hiện. Nhờ đó, ý thức bảo vệ loài rùa quý hiếm được nâng cao trong cộng đồng.

Theo qui định, mọi hành vi khai thác, thu gom, mua bán, vận chuyển rùa biển và các sản phẩm từ rùa đều vi phạm pháp luật, ai vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ năm 2010 đến 2016, Chi cục Thủy sản Bình Định đã phối hợp với IUCN Việt Nam và các địa phương miền biển như xã Nhơn Lý, xã Nhơn Hải, phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) duy trì hoạt động bảo vệ các bãi đẻ của rùa biển dựa vào cộng đồng.


Con rùa biển dài 60cm, nặng 28kg. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đồng thời tổ chức Chương trình quan sát và cứu hộ rùa trên biển do các thuyền trưởng tàu câu cá ngừ đại dương thực hiện. Chương trình đã mang lại kết quả khả quan, đã giám sát và bảo vệ an toàn cho 100% rùa lên bãi đẻ trứng tại 2 bãi Hòn Khô và Hải Giang thuộc xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), trong đó có 9 ổ trứng, nở ra 300 rùa con, tất cả đã được đưa về với biển an toàn.

“Ngư dân đã chủ động báo tin, tham gia vận động thả và cứu hộ 17 con rùa bị mắc câu và bị thương trở về biển, trong đó có 3 con vích và 14 con đồi mồi. Từ các hoạt động trên, nhận thức bảo vệ rùa biển quý hiếm của người dân và cộng đồng địa phương được nâng cao”, ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Đinh cho biết.

Theo đó, từ năm 2016 đến nay, tuy không còn sự hỗ trợ từ dự án của IUCN, các hoạt động bảo vệ rùa biển vẫn tiếp tục được duy trì và lan tỏa trong cộng đồng. Năm 2018, ngư dân đã chủ động báo tin, tham gia vận động thả và cứu hộ 6 con rùa biển và bảo vệ được 2 ổ rùa biển với 230 con rùa con về biển an toàn. Năm 2019, Trạm Thủy sản huyện Hoài Nhơn đã phối hợp với một số chủ tàu cứu và thả 2 con đồi mồi bị bắt và rao bán trên mạng về với biển. Năm 2020, Chi cục Thủy sản đã tuyên truyền, vận động ngư dân thả 1 con đồi mồi về biển.

Rùa biển hiện là loại động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, có tên trong sách Đỏ Việt Nam và sách Đỏ thế giới cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Tại Việt Nam đã xác định được 5 loài rùa biển đang sinh sống, đó là các loài vích (Chelonia mydas), quản đồng (Caretta careta), đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea), đồi mồi (Eretmochelys imbricata) và rùa da (Dermochelys coriacea).


Anh Đồng Văn Kỳ, Bí thư Chi đoàn Thanh niên Chi cục Thủy sản Bình Định, đã đưa con rùa ra đến mép biển. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Việc chủ động thông báo, giao rùa biển lại cho cơ quan chức năng để thả về biển an toàn đã thể hiện được tinh thần tự giác, sự hiểu biết và thực thi đúng pháp luật Nhà nước trong công tác bảo vệ các loài động vật quý hiếm của cộng đồng”, ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Đinh.

Vũ Đình Thung Nông Nghiệp Việt Nam