TIN THỦY SẢN

Lạng Sơn: Uẩn khúc vụ bắt giữ 4 tấn cá tầm

Trên hồ sơ, cả nước mới chỉ có khoảng 500 ngàn con cá tầm giống ĐỒNG VĂN THƯỞNG

Chủ lô cá tầm hơn 4 tấn khiếu nại vụ đội Quản lý thị trường (QLTT) số 11 tỉnh Lạng Sơn tạm giữ và tiêu hủy số hàng trên. Buổi công bố quyết định giải quyết khiếu nại chiều 29/7 giữa đại diện chủ lô hàng với Chi cục QLTT Lạng Sơn không chỉ là một trong nhiều uẩn khúc của vụ bắt giữ cá tầm phức tạp này.

Ngày 27/6, Đội QLTT số 11 (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) đã phối hợp cùng lực lượng CSGT dừng và khám xe tải 14C-06288 do tài xế Ngô Thanh Minh lái, chở 4 tấn cá tầm. Lý do để khám xe là có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa vi phạm pháp luật thương mại. Nói cách khác, số cá tầm được vận chuyển trên xe có dấu hiệu là “hàng lậu”. Theo thông tin từ Đội QLTT số 11, ở thời điểm đó lái xe đã không xuất trình đủ các giấy tờ hợp pháp và có dấu hiệu bất hợp tác (bỏ đi sau khi xe bị tạm giữ).

Đội QLTT số 11 đã tiến hành khám xét toàn bộ lô cá tầm trên xe và đề nghị tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để xác minh nguồn gốc xuất xứ. Ngày 1/7, Đội QLTT huyện Tràng Định đã tiến hành tiêu hủy lô hàng. Đến ngày 9/7, chủ lô hàng là ông Nguyễn Văn Nghiêm (quận Long Biên, Hà Nội) đã có đơn khiếu nại gửi Chi cục QLTT Lạng Sơn. Phía chủ hàng khẳng định lô cá tầm bị đội QLTT số 11 tạm giữ sau đó tiêu hủy có nguồn gốc xuất xứ và đầy đủ hồ sơ hợp pháp. Cụ thể, chủ hàng đã đưa ra văn bản là Biên bản xác nhận nguồn gốc cá tầm thương phẩm và Hợp đồng kinh tế.

Hợp đồng kinh tế là hợp đồng mua bán cá tầm giữa ông Nguyễn Văn Nghiêm (bên mua) và ông Bùi Thanh Vân (bên nuôi cá). Theo hợp đồng này ông Nghiêm mua cá của ông Vân với giá 180.000 đồng/kg. Còn tờ Biên bản xác nhận nguồn gốc cá tầm thương phẩm là một tờ giấy viết tay có nội dung: “Hôm nay ngày 15/5/2013, tại hồ Khe Chảo, xã Long Sơn, huyện Sơn Động (Bắc Giang), UBND xã Long Sơn cùng hộ gia đình ông Bùi Thanh Vân, trú tại 56, Hồ Công Dự, Lê Lợi, thành phố Bắc Giang, kiểm tra xác định hộ ông Bùi Thanh Vân đang nuôi trồng thủy sản tại hồ Khe Chảo, xã Long Sơn, trong đó có cá tầm thương phẩm, số lượng 80.000.000 con, sản lượng ước tính 2013 + 2014 đạt khoảng 60 tấn”. Biên bản này có xác nhận của ông Ngọc Tiến Lệ (Chủ tịch UBND xã Long Sơn) và có đóng dấu đỏ của UBND xã. Hiện nay, phía chủ hàng khẳng định bộ giấy tờ đã cung cấp với lực lượng QLTT Lạng Sơn là đủ để lưu hành, vận chuyển, chuyên chở trong nước.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực nuôi cá tầm thì số lượng 80 triệu con cá tầm nuôi tại hồ Khe Chảo là một con số “không có thực”. Trên hồ sơ, cả nước hiện mới chỉ có khoảng 500.000 con cá tầm giống. Bên cạnh đó, sản lượng ước tính 60 tấn cũng là quá nhỏ so với số lượng 80 triệu con cá tầm giống bởi 60 tấn cá chỉ tương đương với khoảng 15.000 con cá giống.

Phức tạp kéo dài

Ông Dương Văn Sinh (Tổ trưởng Tổ xác minh khiếu nại) cho biết, ngày 15/7, Chi cục QLTT Lạng Sơn nhận được đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Nghiêm. Ngày 29/7, sau hai tuần xác minh, QLTT Lạng Sơn đã mời ông Nguyễn Văn Nghiêm đến để công bố quyết định giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, buổi công bố đã bất thành với lý do người được ông Nghiêm ủy quyền là ông Phạm Văn Long (đồng thời là chủ xe ô tô 14C-06288) đã không có giấy ủy quyền hợp pháp. Thời gian sau đó, hai bên mất rất nhiều thời gian để “thỏa thuận” về việc đặt lịch tiến hành lần gặp sắp tới. Thậm chí, ông Dương Văn Sinh - Tổ trưởng Tổ xác minh khiếu nại đã phải hỏi ông Long về thời điểm phù hợp làm việc.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Long vẫn khẳng định bộ giấy tờ đã trình với cơ quan chức năng Tràng Định là đủ để lưu hành, vận chuyển, chuyên chở trong nước. Đồng thời, trái ngược với thông tin của phía QLTT đưa ra là tài xế không hợp tác, ông Long cho biết mình cũng có mặt tại Tràng Định sau khi xe bị tạm giữ. Thậm chí buổi chiều 28/6 khi đến làm việc tại Công an huyện Tràng Định, chủ hàng còn phải ngồi chờ cả buổi chiều.

Ông Long còn cho biết thêm, trước khi chuyến hàng này bị tạm giữ (ngày 27/6) 12 ngày, xe 14C-06288 vận chuyển cá tầm và CSGT huyện Tràng Định dừng xe nhưng chỉ bị xử phạt hành chính vì vi phạm luật giao thông đường bộ. Khi được hỏi về giấy xác nhận nguồn gốc cá do UBND xã ký liệu có hợp pháp không(?), ông Long trả lời: “Chính quyền xã có quyền xác nhận, theo cách hiểu của chúng tôi chính quyền sở tại là những người quản lý biết được việc đó”.

Được biết, Chi cục QLTT Lạng Sơn đã phải “cầu cứu” cơ quan Công an xác minh, làm rõ nguồn gốc số cá tầm đã bị tiêu hủy. Điều này cho thấy sự lúng túng, thiếu chắc chắn khi xử lý vụ việc. Chính ông Nguyễn Thắng Lợi (Chi cục trưởng Chi cục QLTT Lạng Sơn) cũng thừa nhận “đây là vụ việc phức tạp”. Lý do của sự phức tạp được ông Lợi giải thích là do Đội QLTT số 11 còn non về nghiệp vụ đã không đấu tranh lấy lời khai của tài xế ngay sau khi tạm giữ lô hàng. Ông Lợi cho biết vụ việc hiện đã nằm ngoài “tầm với” của Chi cục QLTT và phải chờ xác minh từ phía cơ quan Công an.

ĐỒNG VĂN THƯỞNG Báo Nông Nghiệp VN