Lao đao nghề nuôi cá lồng Xuân Lộc
Qua thời hoàng kim, hiện nay nghề nuôi cá lồng ở Xuân Lộc, Phú Thọ đang teo tóp, nhiều hộ dân lao đao với nghề.
Đã từng có thời kỳ phát triển rất mạnh và cho hiệu quả kinh tế cao, được nhắc đến thường xuyên như một mô hình tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, tận dụng nguồn nước sông Đà ở Thanh Thủy và đem lại việc làm, kinh tế cho hàng chục hộ dân. Nhưng hai năm trở lại đây, do thiên tai và thủy điện xả lũ liên tục, nghề nuôi cá lồng ở Xuân Lộc, Thanh Thủy đang teo tóp dần, nhiều hộ đã phá sản, những hộ còn lại đang lao đao, ngoi ngóp với nghề…
Pha ấm trà trên chiếc nhà nổi đã chổng gọng cùng những lồng cá khô kiệt, cong vênh, ông Dương Tiến Dũng, khu 5, Xuân Lộc ngao ngán: Chán lắm rồi. Chưa năm nào nghề cá thất bát như năm nay. Từ đầu năm tới giờ, nước sông Đà liên tục khan cạn, diễn biến bất thường khiến cho chúng tôi lao đao. Nhiều hộ đã bỏ nghề, nhiều hộ nợ nần chồng chất mà không biết lấy gì để hoàn vốn.
Bấm đốt ngón tay tính nhẩm, ông Dũng thông tin: Thời kỳ phát triển mạnh nhất, cả xã Xuân Lộc có hơn 140 lồng cá. Vào vụ, thương lái tấp nập, nhiều nhà khá hẳn lên từ con cá. Số hộ ra lồng, vào giống tăng chóng mặt, nhưng bây giờ thì đã giảm đến 1/2 số lồng cá do thiên tai và ảnh hưởng của thủy điện xả lũ.
Cũng theo ông Dũng, chỉ qua có 2 năm liên tiếp gặp thiên tai và xả lũ, đến thời điểm này, đã có hơn 50 lồng cá “gác” bờ và nghề vẫn đang hằng ngày teo tóp lại. Chung cảnh ngộ, ông Đặng Văn Luyện - thời kỳ phát triển có hơn 20 lồng cá ngồi nhẩm tính: Hiện tại hộ ông Bùi Ngọc Thanh đã phải bỏ 7 lồng, ông Dương Tiến Dũng 14 lồng, ông Thiều Minh Thế hơn 10 lồng, riêng hộ ông đã bỏ 12 lồng và đang tiếp tục bỏ vì nước sông quá cạn…
Thực tế là nhà ông Dũng chỉ còn 4/17 lồng nuôi được nhưng cũng đang ngoi ngóp. Nếu nước sông tiếp tục khan cạn, thì chỉ từ giờ đến Tết là toàn bộ số lồng cá nhà ông sẽ bị xóa sổ. Trước những thông tin phóng viên nắm được về việc nhiều hộ dân đã chuyển lồng lên vùng nước sâu hơn để duy trì nghề, nhưng ông Luyện khẳng định: Các anh cứ đi dọc làng mà xem. Chỗ nào nước cũng cạn, cát vây lấn. Nếu không có biện pháp cụ thể, tích cực thì rồi cũng hết chỗ nước sâu để neo lồng.
Cứu cá đã có nhiều cách đã được đưa ra. Bán vội, chuyển lồng xuống khu vực nước sâu, thậm chí đầu tư mua máy bơm về hút cát để rút cát và tạo nước ở đáy lồng, nhưng xem ra các biện pháp chỉ là tạm thời bởi nước sông Đà đang cạn từng ngày, những doi cát khổng lồ đang bủa vây và xâm lấn khu vực nuôi truyền thống của các hộ dân.
Trong khi vừa nghĩ cách cứu cá và tìm kiếm phương thức làm ăn mới thì những chủ lồng từng làm ăn khấm khá ngày nào như ông Dũng, ông Luyện đã “tự cứu mình” bằng những công việc thường nhật như đi làm sắt, lái xe, đi xây...Vẫn ông Dũng cho biết: Năm 2018-2019 là hai năm thất bại nặng nề của người nuôi cá lồng. Giờ thì không ai dám ra lồng và vào cá giống nữa. Còn bao nhiêu thì cố cầm cự đến Tết để thu hoạch nốt sau đó tính tiếp.
Trao đổi thêm về việc giữ nghề nuôi cá lồng trong khi thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, ông Luyện cho biết: Hiện ở Xuân Lộc, hộ ông Thiều Minh Thế đã chuyển đổi mô hình từ nuôi ngoài sông vào nuôi trong ao rất hiệu quả, nhưng không phải nhà nào cũng có ao, rồi còn kinh phí cải tạo, vào giống, cám… mà chúng tôi hiện nay, cơ bản nợ ngân hàng, nhất là nợ tiền cám, có người nợ đại lý cám 400-500 triệu đồng chưa biết lấy gì mà trả, nên việc theo nghề ngày càng khó khăn trong thời gian tới…
Rời làng nuôi cá lồng Xuân Lộc, đứng trên bờ sông Đà nhìn xuống, những lồng cá cong vênh vẫn nằm gác trên mặt cát sông Đà. Thấy tiếc cho những hộ dân yêu nghề đang phải loay hoay với câu hỏi: Làm thế nào để duy trì nghề và tiếp tục tồn tại trong những ngày tháng tới đây…