TIN THỦY SẢN

Lập biên bản hai cơ sở sản xuất, sơ chế da, vi cá mập

Ruồi bám trên yến sào đã qua sơ chế tại cơ sở của bà Huỳnh Thị Kín

Sáng 8.10, đoàn kiểm tra liên ngành (gồm Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm và Chi cục Quản lý thị trường Phú Yên) kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Đoàn đã kiểm tra cơ sở chế biến ở cảng cá phường 6, TP.Tuy Hòa, Phú Yên do bà Huỳnh Thị Kín làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, bà Kín không sản xuất, chế biến thủy sản, nhưng lại sơ chế yến sào.

Tuy nhiên, bà Kín không xuất trình được giấy tờ gì liên quan đến hoạt động sản xuất nên đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản.

Điều khá lạ là khi kiểm tra phát hiện có hai túi cước vi cá mập thì bà Kín bảo những túi này của gia đình mua về dùng, chứ không phải do cơ sở bà sản xuất. Khi thấy có chụp hình, quay phim, bà Kín đem vứt cả hai túi xuống sông.

“Trước đây, tui có chế biến vi, da cá mập nhưng nay không còn làm nữa. Hiện chỉ sơ chế yến sào cho một doanh nghiệp ở TP.HCM”, bà Kín nói. Cơ sở sơ chế của bà Kín lụp xụp, mất vệ sinh. Quan sát, chúng tôi phát hiện có ruồi bám trên yến sào sơ chế tại đây.

Trước khi đi cùng đoàn kiểm tra, PV Thanh Niên đã đến cơ sở này hỏi mua da, vi cá mập và được bà Kín giới thiệu đầy đủ các mặt hàng từ vi, da cá mập như: cước vi cá mập dùng để chế biến súp cá mập, da cá mập làm gỏi, nấu lẩu…

Đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã kiểm tra tại doanh nghiệp tư nhân (DNTN) A Đồng ở phường 6 (TP.Tuy Hòa) chuyên sản xuất yến sào, do bà Lê Thị Đồng làm chủ. Qua kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện trong kho có tám thùng hóa chất (loại 20 lít), và nhiều sản phẩm cước vi cá mập, da cá mập có nhãn hiệu hàng hóa mang tên doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, bà Đồng nói rằng, số hóa chất trên mua về bán lại kiếm lời, chứ không sử dụng nó trong việc chế biến thực phẩm. Còn sản phẩm cước vi cá mập, da cá mập mua lại người khác để xuất bán ở TP.HCM, một số thì đóng bao bì để trưng bày.


Sơ chế da cá mập tại DNTN A Đồng

Đoàn kiểm tra liên ngành đã xác định hóa chất đó là ôxy già (H2O2). Loại này cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm, nhưng không nằm trong danh mục hóa chất độc hại.

Tại thời điểm kiểm tra, DNTN A Đồng không sử dụng ôxy già để chế biến thực phẩm nên đoàn công tác liên ngành chỉ lập biên bản đối với doanh nghiệp này về kinh doanh hóa chất, các mặt hàng cước vi cá mập, da cá mập nhưng không có giấy phép kinh doanh.

Riêng về yến sào, doanh nghiệp này chưa có công bố nhãn hiệu hàng hóa. Cũng tại buổi làm việc, bà Đồng cam kết không kinh doanh hóa chất và cước vi cá mập, da cá mập nữa.

TNO