Lập lờ cá sông thành cá suối Sa Pa: Người mua mất tiền oan
Giá “chát” nhưng đặc sản cá suối ở Sa Pa (huyện Sa Pa, Lào Cai) vẫn đắt hàng. Hàng ngàn du khách khi đặt chân đến Sa Pa đều muốn sở hữu món đặc sản này về làm quà. Tuy nhiên, không ít du khách đã phải “ăn quả đắng” khi rước về loại cá suối rởm.
Lập lờ đánh lận con đen
Với tâm lý đi du lịch, phải mua chút đặc sản bản địa làm quà nên khá nhiều du khách khi đến với Sa Pa đều không ngần ngại bỏ ra một số tiền lớn để mua bằng được món ăn trên. Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn gặp đúng dịp để mua được cá tươi của bà con dân tộc trực tiếp đánh bắt từ suối. Phần lớn số cá “đặc sản” được bày bán là cá đã được sấy khô hoặc để đông lạnh cả tháng trời. Với số cá suối này, mức giá được rao bán không hề rẻ, dao động từ 150.000 đồng/kg – 180.000 đồng/kg. Thậm chí, không ít du khách đã phải mua đặc sản này với mức giá chát chúa là 300.000 đồng/kg.
Theo lý giải của các tiểu thương bán đặc sản cá suối ở Sa Pa thì sự có mặt của các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn đã khiến cho sản lượng cá suối trong tự nhiên ngày càng khan hiếm. “Để bắt được loài cá này, bà con dân tộc chúng tôi phải đi sâu tới thượng nguồn của các con suối. Sản lượng đánh bắt được cũng không nhiều. Có không ít nhà chỉ dành “của quý” để phục vụ nhu cầu của gia đình hoặc dành thết đãi những vị khách quý. Vì vậy, lượng cá bán cũng không nhiều, du khách muốn mua đa phần phải đặt trước” – chủ một cửa hàng đông lạnh ở chợ Sa Pa đưa ra các lý do lý giải sự khan hiếm và đội giá của món cá này.
Theo tìm hiểu của PV Báo GĐ&XH, dù sẵn tiền nhưng du khách không dễ để mua được cá suối “xịn”. Trên thực tế, tiết lộ của không ít người dân Sa Pa sành về món cá này cho rằng, cá suối ở đây cũng có dăm bảy loại. Trong đó có một số loại phổ biến gồm cá trắng thân dẹt như cá mương, cá hoa, cá bống, cá chạch đá… Nhiều loài cá có màu đen lẫn với màu rêu đá trông chẳng khác nào cá dúi, cá nhàng... Còn theo các lái buôn từ tỉnh Yên Bái chuyên đổ hàng cá cho huyện Sa Pa và nhiều khu vực khác của tỉnh Lào Cai thì có tình trạng tiểu thương lấy cá dúi, cá mương hay cá nhàng đem sấy khô, làm giả cá suối đổ lại cho các nhà hàng và các khu du lịch. “Nếu không làm thế thì lấy đâu ra, giờ cá sông còn hiếm nữa là cá suối” – một nữ tiểu thương bán cá tại cảng Hương Lý (Yên Bái) nói. Thậm chí, tiểu thương này còn rủ rê: “Cô cứ nghe tôi, bán lời lắm, mua vào có 20.000 – 25.000 đồng/kg mà tôi thấy họ vẫn bán hàng trăm nghìn một đĩa cơ mà”.
Chuyên gia cũng “bó tay”
Loại cá được quảng cáo là cá suối thường để đông lạnh cả tháng trời ở chợ Sa Pa (Lào Cai).
Nằm lòng đặc điểm nhận dạng của các loại cá bản địa nhưng chính người dân của huyện Sa Pa cũng “bó tay” khi được hỏi về cách nhận biết cá suối “xịn” đã được chế biến. “Cá suối chỉ lớn cỡ 2 - 3 ngón tay và thân thường ngả màu xanh để dễ ngụy trang khi lẫn vào những kẽ đá rong rêu. Cá suối có thân mình tròn lẳn, chắc thịt. Khi đem nướng hoặc chiên giòn chúng không hề có vị tanh và khá dai thịt, có thể ăn cả xương” – anh Đặng Văn Lưu (xã Trung Chải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) cho hay. Tuy nhiên, anh Lưu cũng lắc đầu khi được hỏi về cách nhận biết cá suối đã qua chế biến. Theo người dân bản địa, cá suối Sa Pa có thể chế biến thành nhiều món khác nhau nhưng “đỉnh” nhất vẫn là nướng trên than hồng. “Khi cá chín, thơm lừng, tách từng con một, ăn cả xương lẫn thịt, vừa lạ miệng, vừa thơm giòn ngọt, rất đặc trưng, chỉ ai ăn rồi mới biết. Dân nhậu rất mê món này nhưng không phải lúc nào cũng có. Vì thế, mới có chuyện lái buôn chà trộn các loại cá khác vào bán cho du khách để kiếm lời” – anh Lưu khẳng định.
Không chỉ người dân bản địa “chịu chết” mà đến các chuyên gia nghiên cứu cũng không dám “phán ẩu” khi nhận biết cá suối đã qua chế biến. Theo Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, mỗi loài cá đều có đặc điểm nhất định nhưng không phải ai cũng biết được điều này. Trong đó, cá chạch đá Sa Pa là cá cỡ nhỏ, đầu dẹp bằng, đuôi dẹp bên, khoảng cách hai mắt rộng, miệng dưới, có 3 đôi râu. Thân tròn dài, màu xám trên có nhiều sọc đen. Thân phủ vây nhỏ, vây ngực và vây bụng xoè rộng, lưng hơi gồ lên. Góc vây đuôi có một sọc đen. Vây lưng và vây đuôi đều có sọc ngang. Cá nhàng là loài có thân dài dẹp bên, bụng dài hoặc có lườn, không có râu, vẩy lớn vừa phải. Miệng dưới hoặc kề dưới hướng ngang, có kích thước khá nhỏ thường bằng một hoặc hai ngón tay. Cá mương có hình dáng tựa như cá trắng, sống ở sông suối, thân thon, dài độ 10- 15 cm. Cá có vảy màu trắng bạc, to bằng ngón tay trỏ người lớn. Cá mương sống và di chuyển thành từng đàn. Dù nắm rất rõ đặc điểm của từng loại cá suối nêu trên nhưng chuyên gia Viện sinh thái và tài nguyên Sinh vật cho rằng, riêng với các loài cá khan hiếm, đặc sản ở các vùng miền đều rất khó nhận biết khi đã qua sơ chế hoặc chế biến thành món ăn.
“Cách tốt nhất là nên mua cá sống, vì quanh năm phải vật lộn trong những dòng suối chảy cuồn cuộn miền sơn cước, giữa thời tiết giá lạnh nên chúng bơi rất khỏe, có thân mình tròn lẳn và bộ vẩy rắn chắc. Đồng thời có kích cỡ khá nhỏ, con nào to lắm cũng chỉ to bằng cổ tay em bé” – chị Hiệu, một người dân sống lâu năm ở huyện Sa Pa bật mí kinh nghiệm nhận biết cá suối.