TIN THỦY SẢN

Lập nghiệp từ mô hình nuôi cua

Anh Đào Văn Sáng đang kiểm tra tình trạng đầm cua. Phương Thuý

Nhận thấy rủi ro từ nuôi tôm công nghiệp cao, chi phí nuôi lớn, anh thanh niên Đào Văn Sáng (khu 9, phường Hải Hoà, TP Móng Cái, Quảng Ninh) đã cải tạo đầm nuôi và chuyển sang nuôi cua thương phẩm. Sau hơn chục năm gắn bó với mô hình này, đến nay anh Sáng đã gây dựng được một cơ ngơi khá vững chãi. Đáng ghi nhận hơn là mô hình nuôi cua biển của anh đã được nhiều hộ dân khác học hỏi làm theo và nhân rộng, góp phần thiết thực trong phát triển kinh tế vùng biên giới.

Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Đào Văn Sáng cho biết: “Mặc dù được đào tạo nghiệp vụ du lịch nhưng không kiếm được việc làm phù hợp nên thời gian đầu, tôi khá chật vật và phải làm thuê nhiều việc khác nhau. Năm 2008, thời điểm nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp ở phường Hải Hoà, TP Móng Cái bị thất bại nên đã bỏ hoang đầm. Nhìn thấy nhiều đầm nuôi trồng thuỷ sản bị bỏ hoang, tôi cảm thấy rất tiếc. Lúc này tôi cũng chỉ nghĩ mình có sức khoẻ, lại còn trẻ nên cứ mạnh dạn làm thử xem thế nào. Năm đó, tôi bắt tay luôn vào việc nuôi cua thương phẩm. Ban đầu tôi thử nghiệm thả 1,5 vạn con cua giống mua từ Nha Trang (Khánh Hoà), loại đã được nuôi ươm 2 tháng với mức giá 10.000 đồng/con thả trong diện tích 3ha. Sau khi thu hoạch vụ đầu, thấy hiệu quả tốt tôi bắt đầu có kế hoạch đầu tư nuôi quy mô hơn”.

Trên thực tế, nuôi cua thương phẩm không quá vất vả và rủi ro như nuôi tôm công nghiệp, chi phí nuôi lại thấp hơn nhiều. Nuôi cua về mùa ấm, chỉ khoảng tầm 4 tháng là có thể thu hoạch. Thức ăn của cua cũng không quá cầu kì, trừ tháng đầu tiên phải chăn bằng thức ăn công nghiệp, còn lại chủ yếu sử dụng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên. Để cua nuôi đạt chất lượng cao, anh Sáng chia sẻ kinh nghiệm: Trước đây một số đầm nhỏ của tôi có rất nhiều xìa, hà. Sau khi thả cua giống vào đó, đến lúc thu hoạch tôi để ý thấy chất lượng cua thành phẩm ở những đầm này khác hẳn các đầm bên cạnh. Đó là con cua bên ngoài vỏ cứng, thịt trong, bán được giá hơn. Nhờ phát hiện tình cờ này, tôi bắt đầu cho cua ăn thêm các loại nhuyễn thể như hến biển. Hến biển ở khu vực Bình Ngọc rất phong phú, giá rẻ. Mỗi tuần chúng tôi xuống đây lấy khoảng 3 tạ hến để kết hợp với các loại cá tạp làm thức ăn cho cua.

Hiện tại, mặc dù khối lượng công việc khá lớn nhưng việc chăm nom các đầm cua đều do vợ chồng anh Sáng tự đảm nhiệm từ việc mua thức ăn, cho cua ăn, kiểm tra bờ, cống, rào chắn để kịp thời sửa chữa, tránh để cua bò ra ngoài cho đến khâu thu hoạch. Thông qua học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, qua báo, đài cũng như tích luỹ dần từ thực tế, đến nay, anh Sáng đã làm chủ kỹ thuật nuôi cua. Chỉ cần quan sát màu nước cũng như hoạt động của con cua, anh cũng có thể biết tình trạng của cua như thế nào để có biện pháp xử lý kịp thời.

Dẫn chúng tôi ra thăm đầm cua, anh Sáng phấn khởi cho biết: Trung bình mỗi năm gia đình anh thu hoạch được khoảng 1 tấn cua thành phẩm bán với giá từ 200.000 - 300.000 đồng/kg. Riêng năm 2013, trừ chi phí, anh thu lãi ròng hơn 200 triệu đồng. Từ thành công của mô hình nuôi cua của anh Đào Văn Sáng, nhiều bà con ở phường Hải Hoà, TP Móng Cái đã học hỏi, nhân rộng mô hình. Tính từ đầu vụ này, số lượng cua giống các hộ dân ở đây nuôi thả đã lên tới gần 6 vạn con. Cùng với đó, bên cạnh những đầm nuôi đã có, anh Sáng thuê thêm 4 đầm lân cận với diện tích khoảng 7 ha để tiếp tục mở rộng diện tích nuôi cua và tôm sú quảng canh. “Để có vốn phát triển sản xuất, hiện tại vợ chồng tôi chủ yếu lấy tiền lãi vụ trước để đầu tư mở rộng vụ sau và huy động thêm từ người thân trong gia đình. Chỉ mong sao các ngân hàng sẽ tạo điều kiện hơn nữa để những thanh niên như tôi có thể dễ dàng vay vốn mở rộng sản xuất”, anh Sáng nói.

Phương Thuý Báo Quảng Ninh, 08/05/2014