Lên núi làm ngư phủ
Trong dòng người đổ xô lên huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) làm kinh tế, những năm trở lại đây khi thủy điện Rào Quán tích nước, những làng chài trên núi được hình thành. Đây là một điều hết sức mới mẻ đối với người dân địa phương.
Kỹ sư trẻ Đinh Anh Dũng, làm việc tại khu vực đập chính của Thủy điện Rào Quán nói rằng muốn vào thăm các hộ ở đồng bằng lên đây làm ngư nghiệp thì có hai cách, một là đi bộ khoảng một giờ quanh lòng hồ rồi xin thuyền cá của người dân để đi tiếp, hai là ra bến cá tự phát để xin những chủ thuyền đi vào đó.
Đang lưỡng lự ở chợ cá thì may mắn có thuyền của chủ tên Khánh, người địa phương vào nơi các hộ dân làm nghề đánh bắt tôm cá. Xô chiếc thuyền ra xa, Khánh bảo: “Chú vào đó làm gì, thăm bà con à. Họ ở xa lắm, mất nửa tiếng đi thuyền đó. Thuyền của anh loại nhỏ, có đi thì cẩn thận, vì ra giữa hồ sóng rất to”.
Nguyễn Thị Hải Yến hiện là sinh viên năm 3 của Trường đại học Sư phạm Huế, nghỉ hè em theo cha mẹ vào ở hẳn lòng hồ. Rảnh rỗi thì theo cha mẹ đi buông câu thả lưới, nấu nướng giúp cha mẹ. Thời gian còn lại em giúp bọn trẻ ở đây học chữ. Yến tâm sự: “Thấy mấy đứa nhỏ vào đây mà em thương lắm anh à. Phải theo cha mẹ lênh đênh nay đây mai đó. Em cũng vậy, nên thấu hiểu được nỗi cơ cực của con nhà làm nghề sông nước. Hàng ngày em cố gắng dạy cho chúng vài ba chữ để vào năm học mới chúng khỏi bỡ ngỡ. Mà cũng làm quen với nghề nghiệp tương lai của mình luôn”.
Ông Nguyễn Văn Đông đóng bè ở đây đã mấy năm kể rằng gốc gác của mình là người ở thị xã Quảng Trị, lần hồi theo con nước rồi dạt lên vùng đất này. Khí hậu thời tiết chưa quen nên thời gian đầu đau ốm liên miên. Vợ ông đã nhiều lần ốm nặng phải đưa đi bệnh viện huyện, may mà chỉ mắc các chứng bệnh về da liễu hay tiêu hóa, nguyên nhân là do phải uống nước hồ không đảm bảo vệ sinh.
Cất vội mẻ lưới, ông Đông cho biết: “Nắng nóng hay giá buốt thì chúng tôi không sợ nhưng dân chài sợ nhất là gió lớn, bão táp. Neo bè vào gốc cây, thấy thời tiết không ổn định là giúp nhau dời bè đi nơi khác ngay lập tức. Nhiều đêm đang ngủ ngon giấc bỗng giật mình vì gió lớn, thế là già trẻ đua nhau đưa bè đi tránh. Lớp già chúng tôi quen rồi chỉ tội cho mấy đứa nhỏ”.
Lúc thủy điện xả nước bất ngờ, nước xuống rất nhanh. Nếu không thả dây theo mực nước thì chỉ có lật bè. Có lần mấy hộ ở đây khi đi làm thì nước chưa xuống, về đến tận nhà thì tất cả đồ đạc đã chìm dưới lòng hồ. Mức nước của thủy điện thì rất sâu làm sao mà vớt lại đồ đạc được. Thế là phải bắt tay làm lại từ đầu.
Hôm chúng tôi đến chỉ còn lại vài người ở nhà để canh giữ đồ đạc, ngư cụ, vì là ngày cưới vợ của anh Lê Văn Hiển, bạn “đồng nghiệp” của những ngư phủ ở đây. Nghe mọi người nói rằng sau ngày cưới, cô dâu trẻ cũng theo chồng vào đây lập nghiệp. Vậy là một thành viên mới của lòng hồ sắp đến để làm dâu, hứa hẹn những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trên lòng hồ.
Theo lời của những người đang công tác tại khu vực đập chính của thủy điện Rào Quán, những cư dân đầu tiên của lòng hồ vào đây họ dựng bè gần phần đập chính của thủy điện. Không còn cách nào khác để họ tránh xa khu vực nguy hiểm, Ban Quản lý Thủy điện Rào Quán mới cho dựng hệ thống phao nổi để ngăn cản họ không vào khu vực thân đập. Phao được thiết kế bằng cách kết các thùng phuy lại với nhau rồi nối bằng dây cáp, thả lênh đênh chạy ngang qua khu vực sát đập nên mọi tàu thuyền đều không thể thâm nhập vùng này.
Ngăn cản chỗ này thì họ đi nơi khác, chỉ cần ở đâu thuận lợi là những ngư dân lại tụ tập làm ăn, sinh sống. Tôi hỏi những người ở đây tại sao không lên bờ mà sống thì họ bảo rằng đất đai không có, nhưng từ sâu thẳm, tôi biết đây là nghề gia truyền nên họ sẽ theo đuổi, gắn bó suốt đời.
Theo lời của những người đang công tác tại khu vực đập chính của thủy điện Rào Quán, những cư dân đầu tiên của lòng hồ vào đây họ dựng bè gần phần đập chính của thủy điện. Không còn cách nào khác để họ tránh xa khu vực nguy hiểm, Ban Quản lý Thủy điện Rào Quán mới cho dựng hệ thống phao nổi để ngăn cản họ không vào khu vực thân đập. Phao được thiết kế bằng cách kết các thùng phuy lại với nhau rồi nối bằng dây cáp, thả lênh đênh chạy ngang qua khu vực sát đập nên mọi tàu thuyền đều không thể thâm nhập vùng này.