TIN THỦY SẢN

Lệnh cấm nhập khẩu tôm Ấn Độ, Malaysia đang gây thiệt hại cho chính Thái Lan

Lệnh cấm nhập khẩu tôm Ấn Độ, Malaysia của Thái Lan gây thiệt hại cho chính Thái Lan Gappingworld

Nhà giao dịch tôm toàn cầu Siam Canadian vừa xác nhận rằng Thái Lan đã ngừng nhập khẩu tôm nuôi từ Ấn Độ cũng như Malaysia.

Các nhà chức trách Thái Lan cho biết nguyên nhân của động thái này là do rủi ro dịch bệnh IMNV xuất phát từ nhập khẩu tôm Ấn Độ, và đồng thời một thông báo khác từ các cơ quan quản lý thủy sản Thái Lan cho biết về ý định kiểm soát nhập khẩu tôm từ Malaysia, theo nhà quản lý Satasap Viriyanantawanit  của Siam Canadian tại Thái Lan. “Thẳng thắn mà nói, tôi lo ngại rằng động thái này gây thiệt hại cho chính Thái Lan hơn là cho Ấn Độ. Tôi không ủng hộ hoạt động nhập khẩu tôm từ các nước khác để tái chế biến và tái xuất khẩu nhưng sự thật là Thái Lan không có đủ nguồn cung cho chế biến. Một số nhà đóng gói Thái Lan phải chật vật xoay xở cho đủ nguyên liệu thô để hòa vốn”.

Ông cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang ngày càng ráo riết thu mua tôm nguyên liệu. Ông dấn chiếu rằng một nhà môi giới tôm cho biết lượng nhập khẩu tăng tới 500% trong năm 2017 so với năm 2016. “Tôm Thái Lan trở nên rất nổi tiếng tại Trung Quốc. Nhu cầu đối với tôm Thái Lan luôn ở mức cao quanh năm”. Một số nhà môi giới tại Thái Lan và bán hàng cho Trung Quốc cũng đang chuyển từ trái cây sang tôm. Trong khi đó, nhu cầu tôm nội địa Thái Lan cũng đang tăng lên. “Sản xuất tôm nội địa hiện chỉ đáp ứng được chưa đến 50% nhu cầu cho các nhà đóng gói để chế biến – xuất khẩu”.

Thai Union Group cho rằng Việt Nam là thị trường tôm lớn thứ 3 của Thái Lan; trong khi ông Viriyanantawanit tin rằng phần lớn lượng tôm xuất sang Việt Nam là để tìm đường sang thị trường Trung Quốc. “Nếu Thái Lan cho phép nhập khẩu tôm thì có thể giúp các nhà đóng gói Thái Lan có thêm lựa chọn. Hiện họ không có bất cứ lựa chọn nào nếu chỉ dựa vào nguồn cung tôm nội địa vừa thiếu vừa đắt đỏ hơn nguồn tôm Indonesia và Ấn Độ”.

Nông dân nuôi tôm Trung Quốc vẫn đối diện với tình trạng bùng phát dịch bệnh hồi đầu vụ, và sản xuất tôm Trung Quốc nhìn chung được dự báo giảm trong năm 2017. Trước khi mùa nuôi tôm Trung Quốc bắt đầu, ngành tôm nước này đã có nhiều lo ngại về chất lượng nguồn tôm giống. Đây cũng là một nguyên nhân lớn khiến dịch bệnh bùng phát mạnh trong giai đoạn đầu của sinh trưởng tôm, đặc biệt là tại miền nam nước này.

Nhu cầu tôm tại thị trường Trung Quốc tăng cao kỷ lục trong năm 2017 so với các sản phẩm thủy sản khác. Doanh nghiệp tôm sở hữu High Liner Foods là Rubicon Resources gần đây nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang gây náo loạn thị trường toàn cầu. Do sản xuất tôm nội địa suy giảm, các điều kiện thanh toán hấp dẫn, và tiêu dùng đang tăng, Trung Quốc đnag tham gia – và đôi khi chi phối – các thị trường tôm trên toàn cầu.

“Với tiềm lực tài chính sẵn có, những người mua Trung Quốc đang thâm nhập vào các nước Đông Nam Á láng giềng để trực tiếp thu mua các lô tôm lớn, vượt qua phần lớn những người mua phương Tây”. Thương nhân Trung Quốc thường mua toàn bộ các ao tôm tại trại nuôi. “Thủy sản luôn luôn đóng vai trò lớn trong văn hóa ẩm thực Trung Quốc nhưng tầng lớp trung lưu lớn mạnh của Trung Quốc đang thực sự đưa tiêu dùng tôm tại Trung Quốc lên những kỷ lục mới. Từ năm 2005 – 2015, tiêu dùng tôm tại Trung Quốc tăng tới 123% lên hơn 1,6 triệu tấn/năm”.

Sức mua của Trung Quốc cũng đang lan sang phân khúc tôm nước lạnh. “Tôi được cho biết rằng nhu cầu từ Trung Quốc đang đẩy giá tôm nước lạnh tăng. Thị trường Trung Quốc ngày càng phình to gây cho tôi mối quan ngại lớn”, một nhà chế biến tôm nhấn mạnh.

Trong Diễn đàn tôm nước lạnh quốc tế năm 2017, các cuộc thảo luận về Trung Quốc cũng được đưa ra: Fan Xubing, tổng giám đốc Beijing Seabridge Marketing, có vẻ là đại diện duy nhất của thị trường Trung Quốc nhưng ông cho rằng tình hình sẽ thay đổi trong sự kiện sắp tới. CEO của Royal Greenland Mikael Thinghuus thừa nhận về sự tăng trưởng rõ rệt của thị trường Trung Quốc. “Tôi nghĩ trước khi thế hệ của tôi nghỉ hưu, chúng tôi sẽ được nhìn thấy tôm nước lạnh bắc Đại Tây dương được xuất sang Trung Quốc. Tôi cho rằng đây là một diễn biến tốt để đa dạng hóa thị trường ra khỏi các thị trường an toàn và tìm kiếm các thị trường sẵn sàng trả giá cao hơn”.

Gappingworld Undercurrent News