Lênh đênh đôi bờ sông Mã
Từ cuộc vận động toàn dân hỗ trợ... ổn định đời sống đồng bào sinh sống trên sông, đến nay trên địa bàn huyện Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), chính quyền đã cấp đất cho hơn 400 hộ ngư dân làm nhà, ổn định nơi cư trú. Song, cuộc sống của hàng trăm hộ vạn chài này vẫn đang phải đối diện với những khó khăn chồng chất về phát triển kinh tế; nhiều trẻ chẳng được học hành sẽ phải đối diện với tương lai mờ mịt ở phía trước.
Tứ phương cầu thực
Xóm chài Tân Phong (xã Cẩm Phong); xóm Tân Thành (thị trấn Cẩm Sơn) và xóm ngư dân Tân Tiến (xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy) là một trong những cụm dân cư được chính quyền địa phương chăm lo tốt nhất về điều kiện chỗ ở. Bà con có nhà cửa xây dựng ngay trên thân đất sát mép hai bờ tả, hữu dòng sông Mã, thuận lợi từ việc mưu sinh bằng nghề giăng câu, thả lưới, nuôi cá lồng. Ấy vậy mà nay, rất nhiều gia đình trong số đó chỉ những ngày tết mới trở về tổ ấm. Năm nào cũng thế, hết ngày mùng 3 tết, vợ chồng lại khăn gói lên đường kiếm sinh nhai, nuôi nấng con cái.
Tôi ghé thăm gia đình anh Nguyễn Văn Phúc ở xóm chài Tân Thành. Thân hình người đàn ông này vẫn rắn chắc, đen bóng như lần gặp nhau cách nay mấy năm. Ở thời điểm đó, anh nuôi đến hai lồng cá ké, một loài cá đặc sản nước ngọt chuyên phục vụ khách hàng “quý tộc”. Hằng năm, vợ chồng anh Phúc thu về trên dưới 70 triệu đồng. Không riêng anh Phúc, hơn 100 hộ dân Tân Phong, Tân Thành đều chăn nuôi cá ké, “sáng kiến” thả cá quý hiếm đã thắp lên hy vọng đổi đời đối với những người sống bằng ngư nghiệp.
Nhưng trở lại sau 6 năm, những lồng cá đậu dày đặc đôi bờ sông Mã thuở nào giờ chỉ còn lác đác với cảnh chuồng cá rách nát, tiêu điều. Nét mặt chùng xuống, anh Phúc mở lời: “Sau ngày chú về, các xóm chài nuôi cá ké “thắng” thêm hai năm nữa, rồi đến năm 2010 thì hầu khắp hàng trăm lồng ké cứ thế chết dần, chết mòn. Cá lớn chết, cá nhỏ chết theo. Giờ chỉ còn vài ba hộ tiếp tục, dành vào dịp lễ tết làm thịt ăn thôi”.
Đứt nghề nuôi cá ké, vợ chồng anh Phúc cũng như nhiều hộ dân chài khác lâm cảnh bế tắc. Họ có nhà trên bờ nhưng ngặt nỗi không một tấc ruộng nương, vốn liếng đã hao hụt theo nghề nuôi cá lồng. Thế là dân xóm chài đành ngược xuôi trong Nam, ngoài Bắc, ai thuê gì làm nấy. Tan tác, cùng cực đến vậy vẫn chưa yên, như vợ chồng anh Nguyễn Văn Bình - Nguyễn Thị Hương đi bốc vác, xúc hồ, tung gạch... lấy đồng tiền bằng mồ hôi.
“Nhưng khốn nỗi có không ít “ông chủ cò con” đã vắt kiệt sức lực của người lao động, song đến ngày trả tiền công lại “lặn” không “sủi tăm”. Vợ chồng tôi nghĩ mãi và đi đến quyết định quay về, gửi con cái cho ông nội, lên lòng hồ thủy điện Sơn La mua chiếc thuyền, lại nương nhờ nghề ngư...” - anh Bình tâm sự.
Anh Nguyễn Văn Phúc ở xóm chài Tân Thành, huyện Cẩm Thủy cho biết, nghề nuôi cá ké điêu tàn do nguồn nước sông Mã bị ô nhiễm.
Tương lai mịt mờ
Sông Mã mùa này trong xanh, êm đềm. Ngồi trên thuyền nhỏ ngược dòng, tôi nhìn ngắm vẻ đẹp hùng vĩ và mượt mà của thiên nhiên với vách núi Eo Lê dựng đứng, với bãi ngô xanh rờn... Nhưng rồi, đập vào mắt tôi là cảnh mấy đứa trẻ dong thuyền men bờ tả, cắm cúi thò tay xuống dòng nước lạnh cóng lấy rêu.
Tôi tiếp cận thuyền của cậu bé Nguyễn Văn Đại, là dân xóm chài Thuyền Tôn, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc. Đại ngước mắt nói chuyện trong khi tay vẫn không ngừng bám vào sợi dây ngâm dưới mặt sông bóc dỡ từng tảng rêu đưa lên khoang thuyền. Cháu trả lời già dặn: “Bố mẹ giao cho hai anh em cháu chăm lồng cá trắm để bán lấy tiền mua sách vở đến trường. Trời rét, nhưng thò tay xuống nước sông ấm lắm”.
Những đứa trẻ may mắn được đi học như Đại ở xóm chài này không nhiều. Ông Nguyễn Văn Mai - Trưởng xóm chài Eo Lê - nhẩm sơ sơ rồi nói: “Xóm ni, đám trẻ cùng lớp tuổi như Đại còn hơn chục đứa không được đến trường vì cha mẹ chúng quá nghèo”. Anh Nguyễn Văn Hồng - bố của Đại - trầm ngâm giây lát rồi chậm rãi: “Bọn trẻ rất thương bố mẹ nên chịu khó lắm. Nhà nuôi mấy chục con trắm lồng, giờ khoảng 2-3kg/con, tốn thức ăn nên ngày mô cũng rứa, hai cháu lo việc lấy rêu cho cá ăn”. Chị Vinh - mẹ của Đại - giọng tha thiết: “Đời vợ chồng tôi coi như vứt đi, nên khổ cực mấy cũng cố nuôi hai đứa con, cho chúng đi học mới mong có ngày thay đổi được cuộc sống”.
Cần một lối thoát
Dòng sông Mã đang có sự thay đổi lớn khi hàng loạt công trình thủy điện mọc lên ở vùng thượng lưu, nguồn nước bị chặn lại để phục vụ cho việc phát điện. Môi trường thay đổi, con cá con tôm dần cạn kiệt khiến cuộc sống của ngư dân vốn bao đời khó khăn, nay đang dần rơi vào cảnh bế tắc. Hàng trăm gia đình đang loay hoay vật lộn với cuộc sống, cần có một lối thoát, song tự thân họ không có khả năng tìm thấy.
Ông Nguyễn Văn Thuận - trú xóm chài Cẩm Hoàng (xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc) - than thở: “Nghề sông nước giờ nan giải lắm. May là gia đình tôi nhập khẩu về xã Vĩnh Quang từ những năm 80 thế kỷ trước nên được xã chia cho 5 sào ruộng, 1,5 sào đất bãi trồng ngô, mỗi năm thu về trên dưới 3 tấn thóc, 7 tạ ngô hạt. Từ nguồn lương thực này, ngoài để ăn, tôi mở trại chăn nuôi gà, lợn nên cuộc sống cũng đỡ vất vả”.
Song những gia đình được cấp đất để canh tác như trường hợp ông Thuận không nhiều. Ông Tào Văn Đoan - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang - cho biết: Ở xóm chài Thuyền Tôn có 22 hộ nhưng không hộ nào có ruộng. Nguyên nhân là do họ nhập khẩu về đây sau thời điểm Nhà nước chia lại ruộng đất. Chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp đất cho bà con ngư dân lên bờ làm nhà ở, nhưng bế tắc trong việc tạo điều kiện giúp họ ổn định sản xuất.
“Chúng tôi đang tính tới việc định hướng cho ngư dân khôi phục lại nghề nuôi cá lồng. Xã sẽ hỗ trợ về kỹ thuật qua các chương trình. Ngoài ra, đối với các khu đất bãi bồi ven sông sẽ cho dân chài thầu để trồng cỏ, trồng ngô phục vụ chăn nuôi” - ông Đoan nói.
316 hộ dân chài ở huyện Cẩm Thủy cũng tương tự cảnh xóm chài Thuyền Tôn. Ông Hà Văn Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy - khẳng định: “Chính quyền đã lập quy hoạch cấp đất ở cho toàn bộ các hộ dân chài, không thu tiền cấp quyền sử dụng. Ngoài ra, từ các chương trình, huyện cũng hỗ trợ bà con xây nhà kiên cố, ổn định nơi cư trú. Năm 2013, huyện mở được một lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi thả cá cho 16 hộ dân chài ở xã Cẩm Ngọc, đến nay chưa có nghiệm thu, nhưng chắc chắn bà con đã áp dụng vào thực tiễn vì tất cả những hộ dân này sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá trắm lồng tự phát. Dù chưa nhiều, song thực tế đã có con em ngư dân thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học”.
Cũng theo ông Vinh, tất cả 316 hộ ngư dân đều không có đất sản xuất. “Nghề nuôi cá trên sông Mã giờ rất khó khăn vì nguồn nước có lúc bị ô nhiễm. Riêng xóm chài Tân Phong, Tân Thành, người dân có thế mạnh đi đổ bêtông cho các công trình; nhặt sỏi trắng bán, giờ thì nguồn sỏi cũng cạn rồi... Năm 2014, huyện đăng ký mở 6 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp và 3-4 lớp đào tạo nghề nông nghiệp theo chương trình của tỉnh phân bổ nguồn kinh phí. Khi có quyết định chính thức, chúng tôi sẽ ưu tiên dành những lớp này để đào tạo nghề cho lao động là ngư dân sinh sống trên sông” - ông Vinh nói.