Liên Châu - những khó khăn trong chuyển đổi sản xuất
Là xã thuần nông của huyện Thanh Oai, từ nhiều năm nay, Liên Châu đã mạnh dạn chuyển đổi từ cấy lúa sang các mô hình đa canh cá - vịt kết hợp với chăn nuôi và trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, các hộ dân khu vực chuyển đổi mô hình kinh tế vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất.
Ông Nguyễn Trọng Hải, thôn Từ Châu, xã Liên Châu là một trong những hộ gia đình thành công nhờ chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Năm 2011, ông Hải mạnh dạn đưa ba ba vào nuôi trên 400m2 mặt nước ao. Chỉ sau 2 năm, ao nuôi của ông đã cho thu hoạch 4 tạ ba ba. Với giá bán 370.000 đồng/kg, ông Hải thu về hơn 100 triệu đồng, trừ các khoản chi phí cho thu lãi từ 60 - 70 triệu đồng. "Ba ba chỉ ăn khoảng 7 - 8 tháng, còn lại là thời gian ngủ đông nên tiết kiệm được một lượng thức ăn đáng kể. Hơn nữa, ba ba lại ăn tạp, có thể tận dụng ốc bươu vàng để làm thức ăn" - ông Hải chia sẻ về bí quyết làm ăn.
HTX Nuôi trồng thủy sản Từ Châu hiện có 45 hộ tham gia mô hình chuyển đổi với diện tích 49,16ha. Trong đó, 90% số hộ gia đình nuôi cá truyền thống, kết hợp với trồng cây ăn quả (nhãn muộn, bưởi Diễn) để tăng thêm thu nhập. Năng suất thủy sản nuôi của HTX Từ Châu đạt khá cao, trong đó nuôi theo hướng quảng canh đạt trung bình từ 3,8 - 4 tấn cá/ha/năm, còn nuôi thâm canh cho năng suất cao hơn 30%. Hiện nay, Từ Châu đang phát triển mô hình nuôi chạch đồng, tiêu biểu như hộ anh Nguyễn Văn Huynh có diện tích trên 3ha, thu lãi hơn 200 triệu đồng/lứa chỉ trong vòng 6 tháng.
Toàn xã Liên Châu có hơn 418ha đất nông nghiệp. Do đặc thù thuộc vùng đất chiêm trũng, ruộng đất manh mún nên từ năm 2004, xã đã tiến hành dồn điền đổi thửa. Đến nay, diện tích chuyển đổi của xã đạt 110ha với 98 mô hình các loại, cho thu nhập cao gấp 3 lần so với cấy lúa. Để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân, hiện nay, UBND xã Liên Châu đang xúc tiến xây dựng thương hiệu Trứng vịt lộn thôn Châu Mai. Mặc dù vậy, việc phát triển sản xuất của các mô hình chuyển đổi hiện vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước tiên là việc tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, bởi vốn tự có của các hộ dân thấp, nhiều hộ phải đi vay mượn ở bên ngoài với lãi suất cao. Bên cạnh đó, tuy xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa từ năm 2004, song hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng chưa được cứng hóa gây khó khăn cho hoạt động vận chuyển hàng hóa, thức ăn nuôi trồng thủy sản ra vào khu chuyển đổi. Hiện, toàn xã mới cứng hóa bê tông đường nội đồng được 1,2km. Thêm nữa, mặc dù Liên Châu được TP quy hoạch là vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm, nhưng nhiều năm nay, đề án vẫn chưa được triển khai trong khi nguồn nước sông Nhuệ bị ô nhiễm, không đảm bảo cho sản xuất.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Đăng Việt - Chủ tịch UBND xã Liên Châu, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nguy cơ các mô hình chuyển đổi bị phá vỡ do nhiều hộ dân trước đây đồng ý cho hộ khác thuê lại đất để sản xuất, nay đòi lại (năm 2013 là năm hết hợp đồng thuê đất của các hộ dân). Mặc dù, UBND xã đã tích cực vào cuộc hòa giải, vận động những hộ cho thuê tiếp tục đồng ý cho thuê đất nhưng hiện mới chỉ có 2 hộ đồng ý, còn lại phần lớn số mô hình chuyển đổi của xã vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Do đó, ông Việt kiến nghị các cấp chính quyền có hướng giúp xã tháo gỡ vướng mắc này để đảm bảo ổn định vùng sản xuất. Đồng thời, Sở NN&PTNT, Phòng Kinh tế huyện nên có các đề án mẫu về mô hình phát triển nuôi trồng thủy sản, tránh để các hộ dân sản xuất theo hướng tự phát.