Liên kết tàu câu cá ngừ đại dương và tàu lưới vây, lợi đôi bề
Thời buổi biển vắng cá, tàu thuyền ngày càng nhiều, nếu không thiết lập những mối liên kết giữa các nghề đánh bắt trên biển thì những chuyến biển khó mà đạt sản lượng.
Cách đây hơn 11 năm, tôi có may mắn được trải nghiệm nghề công việc của ngư dân đánh bắt cá ngừ sọc dưa ngoài biển xa với nghề lưới vây rút chì trên chiếc tàu vỏ gỗ có công suất đến 900CV mang số hiệu BĐ 94439 TS. Đây là chiếc tàu cá lớn nhất Bình Định khi ấy của lão ngư Nguyễn Văn Ái ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, Bình Định).
Ra đến ngư trường Trường Sa, chiếc tàu cá tôi đi không còn tăng tốc như lúc mới xuất bến, mà cứ chạy “tà tà” khắp mặt biển. Lấy làm lạ, tôi hỏi tài công Nguyễn Minh Vương (con trai ngư dân Nguyễn Văn Ái): “Sao không cho tàu chạy nhanh để sớm đến nơi và đỡ tốn dầu?”.
Ngư dân Vương cười, giải thích cặn kẽ: “Ra đến ngư trường đánh bắt là tàu hành nghề lưới vây không có điểm đến, mà cứ cho tàu chạy chầm chậm, tàu vừa chạy, thuyền viên đứng 2 bên mạn tàu vừa quan sát xem trên biển có khúc cây nào trôi dạt trên biển không. Nhìn thấy cây trôi là hi vọng có cá. Bởi thuộc tính của cá ngừ sọc dưa là thường nấp dưới bóng cây trôi cả đàn. Thấy cây trôi, mình cho thợ lặn xuống để xác định dưới khúc cây ấy trữ lượng đàn cá nhiều hay ít.
Nếu thấy đàn cá có trữ lượng lớn, mình cho người cột lên khúc cây ấy một lá cờ và đèn hiệu để cả ngày lẫn đêm đều theo dõi được khúc cây ấy trôi đi đâu và cho tàu chạy chầm chậm theo đến đó, cờ và đèn hiệu cũng là tín hiệu để cho tàu khác biết đàn cá ấy đã có chủ. 4 giờ sáng hôm sau, tàu sẽ bắt đầu bủa lưới đánh bắt. “Ăn” xong mẻ cá ấy, tàu lại tiếp tục lang thang đi tìm khúc cây trôi khác, tức là tìm đàn cá khác”.
Trước đây, cách đánh bắt theo kiểu truyền thống này của những tàu chuyên hành nghề lưới vây rút chì của ngư dân Bình Định còn đạt sản lượng, bởi khi ấy ngồn lợi thủy sản trên biển còn nhiều, thêm vào đó tàu thuyền còn ít. Chuyến biển tôi trải nghiệm trên tàu BĐ 94439 TS của lão ngư Nguyễn Văn Ái cập bờ khẳm be, có mẻ cá đánh được đến hơn 10 tấn.
Thế nhưng bây giờ, nếu tàu chuyên đánh bắt cá ngừ sọc dưa cứ trông chờ vào những khúc cây trôi là thì chỉ có đói. Bởi, bây giờ từ tàu câu cá ngừ đại dương đến tàu hành nghề lưới vây ánh sáng đều dùng đèn để dụ cá, nên nếu cứ tìm cá nấp dưới bóng cây trôi thì chuyến biển có thể kéo dài gấp đôi mà chưa chắc đã đạt sản lượng.
Do đó, hàng trăm tàu cá chuyên hành nghề lưới vây rút chì của ngư dân Quy Nhơn đều có mối liên kết với những tàu câu cá ngừ đại dương để những chuyến đánh bắt đạt hiệu quả hơn.
Mong cuộc gọi của tàu cá ngừ đại dương
Tàu cá BĐ 91072 TS (công suất 725CV) chuyên hành nghề lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa của ngư dân Hà Quốc Thống (sinh năm 1976) ở phường Trần Phú (TP Quy Nhơn) vừa cập bờ vào cảng cá Quy Nhơn vào ngày 25/9 âm lịch (nhằm ngày 20/10 dương lịch), tuy đang vào thời điểm cuối vụ đánh bắt, nhưng tàu của anh Thống vẫn mang về được 13 tấn cá ngừ sọc dưa.
Theo anh Thống, mùa vụ đánh bắt chính cá ngừ sọc dưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch hàng năm. Thời điểm này là mùa gió nam, nước biển ấm, cá từ vùng biển phía dưới (Malaysia) theo con nước đi lên phía Việt Nam nên ngư trường xuất hiện nhiều cá ngừ sọc dưa. Trong những tháng này, ở Vịnh Bắc Bộ cá không có là bao. Đến cuối tháng 10 âm lịch là vụ đánh bắt cá ngừ sọc dưa đã kết thúc.
Giải thích vì sao chuyến biển vừa rồi dù đã cuối vụ nhưng tàu anh vẫn đánh bắt có cá, anh Thống cho biết: “Tôi liên kết với rất nhiều tàu câu cá ngừ đại dương. Những chuyến họ bám biển, trong lúc chong đèn dụ cá ngừ đại dương, nếu thấy có đàn cá ngừ sọc dưa theo đèn quần tụ lại là họ bỏ chà để đàn cá ấy nấp theo thói quen.
Chà là những tàu dừa khô được kết lại. Khi đèn tàu câu cá ngừ đại dương chong lên là mực tập trung lại, mực ăn đèn ghê lắm! Cá ngừ sọc dưa thì theo đèn là để ăn mực, do đó đèn dụ cá ngừ đại dương cũng dụ được luôn cá ngừ sọc dưa. Sau đó, tàu câu cá ngừ đại dương sẽ gọi cho tôi, nếu khi ấy tàu của tôi đang đánh bắt trên biển thì chạy nhanh đến tọa độ tàu bạn cho, còn nếu khi ấy tàu của tôi đang nằm bờ thì sẽ cấp tập lấy tổn và xuất phát vươn khơi. Những chuyến biển như vậy ngư dân nào cũng phấn khởi, vì chắc mẩm đánh bắt được cá”.
Cũng theo anh Thống, mỗi tàu hành nghề lưới vây rút chì đánh bắt cá ngừ sọc dưa kết nối với rất nhiều tàu câu cá ngừ đại dương, ngược lại, tàu câu cá ngừ đại dương cũng vậy. Khi tàu câu cá ngừ đại dương phát hiện đàn cá ngừ sọc dưa, lập tức trong đầu vị thuyền trưởng ấy sẽ “hiện tên” người chủ tàu lưới vây rút chì “chơi được” và sẽ gọi cho người ấy.
Cách nói “chơi được” của anh Thống là sự sòng phẳng trong ăn chia sau khi đánh bắt mẻ cá ngừ sọc dưa ấy. Hiện nay, cách ăn chia trong mối liên kết này là 1/3, nghĩa là mẻ cá ấy được chia làm 3 phần, tàu lưới vây trực tiếp đánh bắt được hưởng 2 phần, còn tàu cá ngừ đại dương phát hiện và giữ đàn cá được hưởng 1 phần.
Với cách liên kết này, tàu hành nghề lưới vây được tăng thêm thu nhập, 1 tháng có thể đi 2 chuyến, thậm chí là 3 chuyến nếu có thông tin liên tục từ tàu cá ngừ đại dương. Còn tàu câu cá ngừ đại dương cũng có thêm thu nhập ngoài nghề chính của mình. Vậy là 2 bên cùng có lợi!