Liên kết vùng - giải pháp phát triển bền vững
Qua một năm tổ chức thực hiện, có thể nhận thấy: Liên kết vùng (LKV) là một yêu cầu cần thiết trong sự gắn kết với nhau giữa các tỉnh trong khu vực (kể cả ngoài khu vực) để phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), quốc phòng an ninh một cách bền vững.
Kết quả - hạn chế
Theo nghiên cứu đánh giá của Viện Chiến lược phát triển (Bộ KHĐT), sau một năm thực hiện “LKV” (Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ) đã nổi lên những mặt mạnh, mặt yếu như sau: Các địa phương phối - kết hợp chặt chẽ hơn trong xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KTXH của địa phương nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của mỗi tỉnh, thành phố; tránh trùng lắp hoặc mâu thuẫn trong quy hoạch. Điểm nổi bật là sự LK giữa các tỉnh nhiều vùng, nhiều địa phương đã có sự kết nối khá chặt chẽ để phát triển du lịch, bước đầu mang lại nhiều kết quả. Công tác xúc tiến đầu tư theo vùng cũng đã được triển khai, bước đầu có kết quả nhất định. Kết nối các tuyến giao thông quan trọng của các địa phương cũng được nhiều địa phương phối hợp triển khai thực hiện...
Tuy nhiên, LKV bước đầu cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế: Nội dung LK còn chung chung, chưa tạo ra lợi ích thiết thực, chưa lôi kéo được các doanh nghiệp (DN) tham gia. Các cơ chế phối hợp còn mang tính tự nguyện. Mặt khác, một số địa phương có những cam kết nhưng vì lợi ích cục bộ nên thiếu nhiệt tình tham gia vào LK (kết nối giao thông, xây dựng khu xử lý rác, nước thải...). Việc LK phối hợp trong các quy hoạch, đầu tư không đạt kết quả, dẫn đến việc thừa năng lực lao động sản xuất, đầu tư dàn trải, trùng lắp, hiệu quả thấp như: Bến cảng, sân bay, khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu. Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, vùng nguyên liệu nuôi tôm, cá tra - đặc biệt là KCN địa phương nào cũng quy hoạch - dẫn đến tình trạng thừa thiếu nhà đầu tư, nhiều dự án KCN trống vắng và bỏ hoang... Nhiều tỉnh có bến cảng (TP.Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long trên đoạn đường sông chưa đầy 5km lại có 2 cảng: Cảng Cái Cui và Cảng Vĩnh Long...). LK 4 nhà (nhà nước - DN - nhà khoa học - nhà nông) còn rời rạc, thiếu sự hỗ trợ tương tác. Vì lợi ích cục bộ của mỗi bên nên sự LK thiếu tính tự giác, không chặt chẽ. Ví dụ: Nông dân (ND) tự mua giống sản xuất (tự vay vốn), phân bón thuốc trừ sâu... phải chịu lãi suất ngân hàng. Tới mùa thu hoạch thường hay bị thương lái lợi dụng ép giá (các DN đứng ngoài) buộc lòng ND phải bán đổ bán tháo vì không có sân phơi, tới kỳ trả nợ ngân hàng... Sau gần cuối mùa vụ (sắp hết lúa), các DN nhà nước mới nhảy vào thực hiện chủ trương mua lúa tạm trữ... Vì vậy, ND rơi vào nghịch cảnh “trúng mùa rớt giá. “Kịch bản” này diễn ra nhiều năm chưa được thay đổi.
Liên kết để cùng phát triển
Ngày 14.9.2013, tại hội nghị giao ban các BCĐ (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ), ông Vũ Văn Ninh - Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Trưởng ban BCĐ Tây Nam Bộ - đã có ý kiến chỉ đạo: LKV là một yêu cầu khách quan vừa tự nguyện vừa bắt buộc, phải chú ý đi từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao. Sản xuất nhỏ lẻ tuy có phát huy tác dụng nhất định nhưng nếu dừng lại trước yêu cầu sản xuất lớn và nếu không có LK sẽ không phát huy được lợi thế cạnh tranh. Có những vấn đề ở phạm vi của một địa phương, một vùng không thể giải quyết được đòi hỏi phải có sự LK ở phạm vi rộng hơn, trở thành nhu cầu bắt buộc (biến đổi khí hậu, nước biển dâng)... Điều kiện kinh tế khó khăn, còn hạn chế về nguồn nhân lực đòi hỏi phải có sự LK để phát triển và LK ở tất cả các lĩnh vực (đặc biệt là LK của “4 nhà”); liên kết giữa các DN với nhau, giữa ND với nhau... LK chặt chẽ nhằm phát huy vị thế của từng địa phương, từng vùng, từng địa bàn và gắn với quyền lợi của địa phương mình.
Ông Nguyễn Phong Quang - Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Tây Nam Bộ - kiến nghị: Cần thiết phải xây dựng một quy chế LKV có giá trị pháp lý, được tổ chức phù hợp với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nhằm phát huy thế mạnh nội vùng; đồng thời tận dụng triệt để cơ hội từ bên ngoài để phát huy mạnh mẽ tiềm năng của vùng; từng cơ chế và giải pháp LK trong vùng. LKV với TPHCM, các vùng miền khác và với khu vực - quốc tế...