Lo cá tra 'sập bẫy' như heo
Do kim ngạch tăng mạnh trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam
Tuy xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng mạnh, "cứu" được kim ngạch nhưng nhiều người vẫn lo ngại do thị trường này đầy rủi ro.
Kim ngạch tăng 56,8%
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), quý I/2017, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 371,3 triệu USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu thị trường xuất khẩu có sự chuyển dịch mạnh khi kim ngạch xuất sang Trung Quốc tiếp tục tăng.
Về thị trường, 3 tháng đầu năm 2017, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ chỉ đạt 61 triệu USD, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm trước. Hiện có gần 15 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra sang Mỹ nhưng chỉ 2-3 DN có kim ngạch lớn, xuất thường xuyên. Sau năm 2016, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn tăng nhưng lại giảm từ đầu năm 2017 vì 2 nguyên nhân chính là thuế chống bán phá giá cao và hàng rào kỹ thuật do họ lập ra.
Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe thừa nhận tuy có nhiều DN xuất hàng sang Mỹ nhưng phần lớn không đáng kể về sản lượng. Vừa có thêm DN không xuất được cá tra sang Mỹ do bị áp thuế suất quá cao dẫn đến sản lượng có thể giảm.
Xuất khẩu cá tra sang Liên minh châu Âu (EU) cũng đã sụt giảm trong vài năm trở lại đây. Ba tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu sang EU chỉ đạt 49,9 triệu USD, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Hòe, chiến dịch truyền thông bôi nhọ cá tra Việt Nam ở thị trường EU và biến động tỉ giá giữa đồng euro với USD dẫn đến việc EU giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam.
Trong khi đó, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc lại tăng mạnh, "cứu" được kim ngạch, bù được mức sụt giảm ở những thị trường truyền thống. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 43 triệu USD, đến năm 2016 đã tăng lên 272 triệu USD. Quý I/2017, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 69,7 triệu USD, tăng 56,8% so với cùng kỳ. Từ tháng 2 năm nay, Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Hiện có khoảng 40 DN trong nước xuất cá tra sang đây.
Cá tra Việt Nam "made in China"
Ông Lê Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang (AFA) kiêm Thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam - nhìn nhận Trung Quốc là thị trường mới nổi trong vài năm nay và có nhiều tiềm năng đối với mặt hàng cá tra. Nhờ thu được lợi nhuận khá từ nguồn hàng của Việt Nam, các nhà nhập khẩu nước này tổ chức nhiều hội thi chế biến thức ăn từ cá tra, thu hút nhiều người thưởng thức. Bên cạnh đó, do dân số đông cùng với văn hóa ẩm thực đa đạng nên họ ăn cả đầu, xương và da cá tra chứ không chỉ phi lê như các thị trường khác.
"Cá phi lê được các nhà nhập khẩu Trung Quốc đưa vào siêu thị lớn, nhà hàng cao cấp hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba. Một số DN nước này mua cá tra quá lứa của Việt Nam về chế biến ra phi lê xuất khẩu theo tiêu chuẩn cao như không có chất tăng trọng, không mạ băng và đã bán được với giá cao mang thương hiệu "made in China" - ông Bình cho biết.
Trước thông tin Trung Quốc "ăn hàng" mạnh cá tra, ông Nguyễn Hữu Nguyên - Chủ nhiệm HTX Nuôi cá tra huyện Châu Phú, tỉnh An Giang - nhận xét: "Thị trường Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro, cách thức thu mua và giá cả cũng cũng không ổn định. Trước đây, họ sang Việt Nam thu mua ồ ạt với giá cao, được 2-3 đợt rồi bặt tăm. Đến gần cả năm sau, họ mới quay lại mua nhưng ép giá do nguồn cung thừa. Nhà nhập khẩu Trung Quốc thường không trực tiếp thu mua cá của dân như DN trong nước mà thông qua cò nên mọi thông tin liên quan đều mờ mịt".
Nhiều người nuôi cá tra cho rằng làm ăn với DN Trung Quốc được lúc nào thì hay lúc đó chứ không ổn định. Họ thường đẩy giá lên cao, mua cả cá lớn lẫn cá nhỏ để kích người nuôi mở rộng diện tích. Đến khi nguồn cung tăng, họ lại ngừng mua thời gian dài làm cho người nuôi điêu đứng, phải bán đổ bán tháo để có tiền trả nợ ngân hàng, đại lý thức ăn. Khi đó, họ mới xuất hiện, mua cá trở lại!
"Không bỏ nhiều trứng vào một rổ"
Ông Lê Chí Bình cảnh báo nhờ có thị trường Trung Quốc nên nguồn cá tra nguyên liệu của Việt Nam được tiêu thụ với số lượng lớn. Tuy nhiên, người nuôi và DN trong nước làm ăn với những đối tác này nên cẩn trọng, sòng phẳng theo kiểu "tiền trao cháo múc" vì từng có nhiều người bị quỵt nợ. Để tránh rủi ro, DN xuất khẩu không nên tập trung vào thị trường mới nổi này theo kiểu "bỏ nhiều trứng vào một rổ" vì các thị trường khác cũng đang có giá tốt, cần khai thác.