Lo ngại phí bôi trơn
Cách đây 2 tháng, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu được ký kết mở ra cơ hội vàng cho xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế này lại đang đi ngược lại với ngành thủy sản, khi nhiều DN cho biết đã phải chi phí một khoản tiền không nhỏ để có thể đưa hàng vào thị trường này.
Nga được đánh giá là thị trường dễ tính so với nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt sau khi Nga gia nhập WTO, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nga sẽ có mức thuế thấp hơn 30-50% so với mức hiện hành. Đồng thời, khi FTA Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu được ký kết, hàng hóa Việt Nam vào Nga sẽ được miễn thuế hoàn toàn hoặc hạ xuống mức tối thiểu. Tuy nhiên, thời gian gần đây trong số hơn 400 DN thủy sản đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang châu Âu mới chỉ có 27 DN được cấp phép xuất khẩu đi Nga.
Theo phản ảnh của nhiều DN, một số quy trình và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sản phẩm của Nga không rõ ràng. Đặc biệt chỉ số vệ sinh Nga đưa ra quá chặt chẽ và không cần thiết. Tiêu chí đánh giá này quá gay gắt so với các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... đã gây khó khăn cho nhiều DN muốn đưa hàng thủy sản vào Nga.
Đáng nói hơn, cơ quan chức năng của Nga cấp mã xuất khẩu không chỉ dựa trên chất lượng mà còn dựa trên các loại chi phí bôi trơn. Theo đó, DN nào đóng đầy đủ các khoản phí sẽ được phép xuất khẩu hàng qua. Trong khi đó, các khoản phí này chiếm con số khá lớn, thậm chí lớn hơn cả mức giá cơ bản của các mặt hàng xuất khẩu. Đơn cử, doanh thu của 1 DN nhỏ xuất khẩu vào thị trường Nga khoảng 300.000USD, trong khi phải chịu toàn bộ mức phí lên đến gần 100.000USD, thậm chí cao hơn. Cộng thêm các chi phí như vận chuyển, trả lương cho công nhân… rõ ràng lợi nhuận thu được qua xuất khẩu chẳng là bao, thậm chí lỗ nặng.
Xin nêu một thí dụ: Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ dù có đầy đủ các chứng nhận chất lượng của châu Âu, Hoa Kỳ, Canada… Các chứng nhận của những tổ chức uy tín này chính là giấy thông hành đưa thủy sản của công ty vào các thị trường khó tính cả chục năm nay. Theo đó, mỗi năm DN này xuất bán hơn 16.000 tấn tôm cá vào châu Âu và Hoa Kỳ. Vậy mà đến nay DN vẫn không có cách nào xin được mã xuất khẩu để đưa hàng vào Nga. Ông Võ Đông Đức, Tổng giám đốc công ty, cho biết mỗi kg thủy sản xuất sang Nga phải mất vài cent cho chi phí bôi trơn. Như vậy, với khối lượng thủy sản tính theo đơn vị tấn, DN phải mất đến hàng triệu USD. Chi phí bôi trơn quá cao, DN đành chọn cách quay sang các thị trường khác.
Hoặc Tập đoàn Nam Việt từng là DN xuất khẩu cá tra sang Nga nhiều nhất Việt Nam (trên 60 triệu USD năm 2008). Ngay sau đó, DN đã đầu tư trên 300 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến cá tra dành riêng cho thị trường Nga với quy mô 78.000 công nhân. Tuy nhiên chỉ vì DN từ chối đóng các khoản phí phi chính thức để có thể vào được thị trường Nga, đã để thị trường này tuột khỏi tay. Cả dây chuyền hàng trăm tỷ đồng cũng phải đóng cửa, sản xuất ngưng trệ gây ra những thiệt hại nặng nề.
Nói về phía Nga, việc phát sinh các khoản phí bôi trơn này mâu thuẫn với những cam kết, quy định mà Nga đã ký kết trong việc hợp tác phát triển kinh tế với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Liệu việc điều chỉnh phí mới này của Nga sẽ có bao nhiêu đối tác chấp thuận và sẽ duy trì đến bao lâu trong khi có nhiều bất cập tồn tại.
Về phía Việt Nam, thiết nghĩ DN và phía cơ quan quản lý, cụ thể là Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản cần làm việc rõ ràng với phía Nga để giải quyết dứt điểm các khoản phí bôi trơn. Từ đó tạo cơ hội nới rộng cánh cửa xuất khẩu thủy sản vào Nga cũng như thị trường các nước khác trong thời gian tới.