Lộc từ sông nước
Bên những chiếc rổ nhựa chứa đầy ốc đinh được 3 người thân đang cào dưới đáy sông quanh khu vực TP Cà Mau, chị Nguyễn Thị Thuý, xã Dân Trạch Tây, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, cười tươi cho hay, gần tháng qua, cứ khoảng 1,5 ngày cào ốc đinh, nhóm của chị thu hoạch trên 1 tấn. Với giá bán tại vuông tôm là 4.000 đồng/kg, chị Thuý thu về trên 4 triệu đồng.
Chị Thuý cho biết: “Loại ốc đinh này được nông dân tỉnh Kiên Giang mua làm thức ăn cho cua, mỗi hộ mua từ 300 - 500kg. Thường 1 chuyến đi về chỉ đủ bán cho 3 - 4 hộ nên hầu như không đủ bán. Công việc tuy có cực, đôi lúc cũng đứt tay, chân do trúng phải cây, miểng dưới đáy sông… nhưng bù lại, mỗi người thu về trên 600.000 đồng/chuyến đi sau khi trừ chi phí”.
Việc sử dụng ốc đinh làm thức ăn cho cua đã được nông dân Cà Mau áp dụng khá lâu và mang lại hiệu quả cao, giảm chi phí thức ăn, tăng thu nhập; nhưng nghề khai thác ốc đinh trên các con sông ven TP Cà Mau thì ít người biết. Ông Nguyễn Minh Phồi, Tổ trưởng THT nuôi cua thương phẩm 2/9, ấp Kinh Lớn, xã Ðông Thới, huyện Cái Nước, cho biết: “Nhận thấy khi cho cua ăn ốc thì cua mau lớn, rút ngắn thời gian thu hoạch. Từ đó, anh em tăng số lần thả cua lên 6 lần trong năm, trung bình 1 tháng tổ chức đi cào ốc hai lần tại các cửa sông ở huyện Trần Văn Thời, TP Cà Mau. Nhờ đó, thu nhập từ việc nuôi cua sử dụng ốc đinh làm thức ăn ngày càng hiệu quả, cho thu nhập mỗi tháng từ 6 - 10 triệu đồng”./.
Khai thác ốc đinh trên kinh Rạch Rập, trước UBND xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau.
Trung bình 1,5 ngày, nhóm của chị Thúy cào trên 1 tấn ốc đinh, tương đương 4 triệu đồng.