Lời giải cho bài toán thức ăn thủy sản? Bài 1: Nhiều bất cập
Chiếm đến 65 - 80% giá thành sản xuất nuôi trồng thủy sản nhưng hiện nay, ngành công nghiệp chế biến thức ăn thủy sản của nước ta hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài, vấn đề kiểm soát chất lượng cũng đang bị bỏ ngỏ và còn nhiều lỗ hổng trong hệ thống chính sách. Đi tìm lời giải cho bài toán chất lượng thức ăn thủy sản đang là một đòi hỏi cấp thiết.
Chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y sẽ quyết định chất lượng thủy sản xuất khẩu. Tuy nhiên hiện nay, các yếu tố đầu vào này chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây khó khăn trong công tác quản lý, gây thiệt hại cho nông dân.
Nông dân lãnh đủ
Có một thực tế đang diễn ra ở các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của nước ta là nông dân ngày càng lâm vào cảnh khó khăn do giá bán sản phẩm không tăng, trong khi dịch bệnh ngày càng hoành hành, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, chất lượng các loại thức ăn, thuốc thú y thủy sản không được đảm bảo và tăng giá vô tội vạ. Điều này dẫn đến tiến độ thả giống hai con nuôi chủ lực là cá tra và tôm sú trong 6 tháng đầu năm 2013 chậm hơn cùng kỳ 2012 do hiện tượng tôm bị bệnh diễn biến phức tạp ngay từ đầu vụ khiến người nuôi lo ngại dịch bệnh bùng phát; giá cá tra thương phẩm duy trì ở mức dưới giá thành sản xuất do nhu cầu trên thị trường thế giới giảm sút trong thời gian dài dẫn đến nhiều hộ bị thua lỗ.
Đơn cử con cá tra, vốn được coi là “một mình một chợ” trên thị trường thế giới (theo lẽ thường thì có thể quyết định được thị trường, giá cả) nhưng chưa bao giờ nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra lại ảm đạm như bây giờ, người nông dân dù có mặn mà với nghề cũng đành “treo” ao vì họ không thể triền miên trong cảnh thua lỗ khi giá bán cá thấp, trong khi giá thức ăn (vốn chiếm đến 80% giá thành sản xuất) lại nhảy múa liên tục.
Tại huyện Kế Sách, vùng trọng điểm nuôi cá tra xuất khẩu của tỉnh Sóc Trăng, diện tích “treo” ao thời gian qua đã lên đến 70%. Còn tính chung trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thì diện tích thả giống trong năm 2013 chỉ có 110ha, chưa được 50% diện tích ao nuôi sẵn có.
Mỗi năm Việt Nam cần đến 4,4 triệu tấn thức ăn dành cho nuôi thủy sản. Tiếc rằng, lượng thức ăn khổng lồ này lại đang nằm trong tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) họ chiếm hơn 80% thị phần. Riêng ngành cá tra, 70% nông dân và doanh nghiệp đều sử dụng thức ăn của doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp FDI cũng rất biết cách tăng giá bán đúng luật, tăng nhiều lần trong năm nhưng thường chỉ ở mức 30 - 35% chứ không tăng quá 50% để bị phạt và lựa thời điểm giá xăng dầu, điện… tăng để “té nước theo mưa” khiến khách hàng phải chấp nhận. Trong tình thế “một cổ nhiều tròng” như vậy, nông dân khó có thể vực dậy sản xuất. Điều đáng nói là theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thủy sản, thời gian qua, quản lý nhà nước đã “bỏ qua” những doanh nghiệp FDI sản xuất thức ăn thủy sản dẫn đến việc kiểm soát giá gặp khó khăn.
Chất lượng còn nhiều điều phải bàn
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, số lượng nhà máy và sản lượng thức ăn thủy sản sản xuất trong nước tăng đáng kể. Hiện, cả nước có khoảng 130 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, sản xuất trên 4.500 tấn sản phẩm và 110 cơ sở sản xuất thức ăn bổ sung với 311 sản phẩm được lưu hành, tổng sản lượng khoảng 3,7 triệu tấn/năm.
Sự nở rộ của các nhà máy sản xuất nhưng chưa có nhiều cơ chế quản lý chặt chẽ, chưa có hệ thống phân tích chất lượng hiện đại, khả năng phân tích chưa đồng đều,… dẫn đến tình trạng các loại thức ăn thủy sản kém chất lượng vẫn được lưu thông trên thị trường, gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, thức ăn thủy sản có vấn đề về chất lượng sẽ khiến cá, tôm chậm lớn, tỷ lệ hao tổn thức ăn cao. Nếu như nông dân Thái Lan chỉ cần 1,1kg thức ăn để tạo ra 1kg tôm thì cũng loại sản phẩm đó ở Việt Nam, nông dân phải cần tới 1,3kg. Đây là lý do khiến lợi nhuận của bà con giảm đáng kể.
Còn nhớ, năm 2008, Chi cục Thủy sản Đồng Tháp kiểm tra 131 mẫu thức ăn thủy sản, đã phát hiện 56 mẫu không đạt chất lượng về chỉ tiêu protein so với công bố, chiếm tỷ lệ 42,7%. Năm 2011, Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) kiểm tra 39 mẫu thức ăn thủy sản cũng phát hiện 6 mẫu không đạt chất lượng (chiếm 15%). Tính trung bình từ năm 2008 đến nay, tỷ lệ thức ăn thủy sản vi phạm về chất lượng khá cao, chiếm đến hơn 20%. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không đạt chất lượng về chỉ tiêu protein, lipit hoặc các chỉ tiêu khác như xơ, tro theo tiêu chuẩn công bố. Trên thị trường hiện có khoảng 5.000 sản phẩm thức ăn hỗn hợp, 3.000 sản phẩm thức ăn bổ sung và khoảng 3.000 chế phẩm xử lý môi trường đang lưu hành. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng chỉ kiểm tra được khoảng 100 sản phẩm. Điều này khiến danh sách nạn nhân của những sản phẩm thức ăn thủy sản kém chất lượng liên tục tăng.
Thực tế này đang đặt ra những đòi hỏi cấp bách về việc xây dựng hành lang pháp lý cho việc quản lý chất lượng thức ăn thủy sản; xây dựng các phòng kiểm nghiệm hiện đại, đạt chuẩn cùng đội ngũ cán bộ chuyên môn đủ trình độ để tăng cường công tác quản lý, giám sát. Tuy nhiên, đây vẫn còn là một câu chuyện dài…
6 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 74.894 tỷ đồng, tăng 3,28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị nuôi trồng thủy sản ước đạt 41.557 tỷ đồng và giá trị khai thác thủy sản 33.337 tỷ đồng. Sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 2.716 nghìn tấn, trong đó khai thác thủy sản 1.311 nghìn tấn, tăng 3,5%, nuôi trồng 1.405 nghìn tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ.