Lời giải nào cho bài toán được mùa - mất giá?
Khoảng 2 tháng nay giá tôm thẻ chân trắng nguyên liệu giảm sâu, đang gây hoang mang cho người nuôi. Quyết định nuôi tiếp hay dừng lại, phơi đầm chờ giá hay thả nuôi cầm chừng, đang là bài toán khó đối với những hộ dân trên địa bàn tỉnh.
Một năm sẽ có một mặt hàng bị rớt giá
Những năm gần đây, các mặt hàng chủ lực của tỉnh liên tục bị mất giá, khiến người dân lao đao. Có nhiều hộ phải “gửi sổ đỏ” khi cố gắng “cầm cự”, níu giữ để chờ giá. Bắt đầu là câu chuyện mất giá gừng vào cuối năm 2015, do thương lái “không ăn”; chưa lắng xuống thì khoảng giữa năm 2016, nông dân huyện Thới Bình phải ngậm ngùi chặt bỏ hàng chục hecta sả để trồng cây khác. Câu chuyện được mùa, mất giá đeo đẳng bà con nông dân trên địa bàn tỉnh không chỉ ngày một, ngày hai, mà hầu như năm nào cũng có tình trạng mất giá một số mặt hàng. Và những chiêu trò của doanh nghiệp “ma” chưa dừng lại đó, như mới đây, tình trạng mất giá heo hơi diễn ra trong một thời gian dài. Có hộ vì quá tức giận mà phá bỏ cả chuồng, nhiều hộ phải bỏ xứ lên Bình Dương để tìm việc làm, vì tất cả vốn liếng đã dồn hết vào nuôi heo.
Một thực tế đáng buồn là người dân vẫn “cả tin” vào thị trường. Khi một mặt hàng hút giá thì người dân liền truyền tai nhau thử vận may để cùng nhau làm giàu, nhưng thực tế, giàu đâu chưa thấy, mà chỉ thấy lợi được vụ đầu, những vụ sau đều thất trắng. Nguyên nhân do đâu?
Không chỉ mặt hàng nông sản mà mặt hàng thủy sản cũng đang cùng chung số phận. Bà con nông dân chưa hết vui mừng khi chuyển đổi thành công mô hình nuôi tôm công nghiệp sang mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao, vừa ngắn thời gian thu hoạch vừa cho lợi nhuận cao thì mới đây, tôm nguyên liệu bất ngờ rớt giá, vào ngay thời điểm bà con nông dân chuẩn bị lên đầm, thu hoạch vụ đầu tiên của năm. Người nuôi tôm đang kẹt vào thế “lên không nỡ, để không đành”. Nếu nuôi cầm chừng thì nông dân phải đối mặt với chi phí vật tư thủy sản, giá điện và nhân công chăm sóc.
Hiện, toàn huyện Phú Tân có trên 372ha, với khoảng 277 hộ nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh. Ông Trần Quốc Yên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, cho biết: “Khoảng 1 năm trở lại đây, diện tích nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh tăng nhanh, năng suất đạt từ 60 - 70 tấn/ha, cá biệt có những hộ đạt 80 tấn/ha. Nhưng đứng trước giá tôm như hiện nay, nông dân cũng đang rất hoang mang”.
Vẫn chưa tìm được hướng đi bền vững
Phú Tân là đơn vị có diện tích nuôi siêu thâm canh công nghệ cao lớn nhất của tỉnh. Diện tích tăng theo hàng năm. Theo đánh giá của ngành chức năng huyện, diện tích nuôi tôm công nghiệp đang giảm dần, nguyên nhân là do người dân tăng cường diện tích triển khai mô hình nuôi siêu thâm canh công nghệ cao. Thế nhưng ngay thời điểm nông dân hăng hái phát triển sản xuất để tạo ra nguồn sản phẩm cung ứng cho thị trường thì bất ngờ giá tôm lại giảm từ 30 - 40%. Ông Yên cho biết: “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo các phòng triển khai hướng dẫn bà con vẫn tiếp tục thả nuôi nhưng với mật độ thưa, vừa giảm chi phí sản xuất vừa nhẹ công chăm sóc”.
Với tình hình tôm rớt giá như hiện nay, nhiều hộ nuôi phân vân giữa thả nuôi tiếp hay phơi đầm chờ giá.
Trong tháng 4, trên địa bàn huyện, bà con tiếp tục thả giống được trên 204ha, với 161 hộ nuôi (giảm diện tích so với vụ đầu). Anh Nguyễn Hoàng Lộc (ấp Cái Đôi Vàm, thị trấn Cái Đôi Vàm) ngậm ngùi: “Tôi mới lên hai hầm tôm cách đây khoảng 10 ngày, giá chỉ 102 ngàn đồng/kg (loại 50 - 80 con), loại trên 80 con/kg, giá 75 ngàn đồng. Hai hầm năng suất đạt trên 15 tấn, tính ra tôi bị thiệt hại trên 450 triệu đồng. Hiện tôi đang vèo lại 1 hầm, cầm chừng, nếu có giá tôi tiếp tục vèo giống thêm một hầm nữa”.
Hiện trên thị trường, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg thương lái thu mua tại ao trên dưới 80 ngàn đồng/kg, giảm từ 25 - 30 ngàn đồng so với cùng kỳ năm 2017. Theo tính toán của ngành chuyên môn, để nuôi được 1kg tôm thẻ chân trắng nguyên liệu, loại 100 con/kg, người nuôi tôm phải đầu tư khoảng 70 ngàn đồng chi phí, chưa kể khấu hao trang thiết bị máy móc và công lao động.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh có nhiều thuận lợi: Thời gian thu hoạch ngắn, năng suất, tỷ lệ thành công cao nhưng chi phí đầu tư cũng cao, trong khi giá tôm nguyên liệu đang tuột dốc, giá điện và giá vật tư thủy sản tăng, giá tôm giống cũng tăng trên 12 đồng/con - bà con nuôi tôm thiệt đủ đường.
Hộ ông Huỳnh Văn Hảo (ấp Cái Đôi Vàm, thị trấn Cái Đôi Vàm) cùng chung cảnh ngộ, gia đình ông có 1,7ha diện tích nuôi tôm, bình quân sẽ có 10 nhân công hỗ trợ ông, nhưng năm nay ông chỉ thuê 2 nhân công. Ông cho biết: “Giá thuê nhân công cũng tăng, giờ chỉ nuôi lại vài hầm nên cũng không cần nhiều người”.
Tình trạng mất giá liên tục không chỉ gây thiệt hại cho nông dân mà còn ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của đất nước. Được mùa - mất giá như một cái vòng luẩn quẩn mà nông dân vẫn không thể thoát ra được! Ngành chức năng chỉ mới dừng lại ở việc hướng dẫn phương thức, kỹ thuật sản xuất cho bà con, chứ chưa có hướng khắc phục bền vững.
Thiết nghĩ vấn đề cấp bách và không kém phần quan trọng giúp khắc phục tình trạng được mùa, mất giá như hiện nay là quy hoạch sản xuất và tiêu thụ. Cụ thể là quản lý nguồn “cung” sản phẩm để tạo sự tương quan với lượng “cầu” sản phẩm ấy trên thị trường, để người dân có thể yên tâm ổn định sản xuất.