TIN THỦY SẢN

Lợi ích 2 trong 1 khi nuôi cá kết hợp với rong câu

Rong câu thích hợp khi Ngọc Thúy

Nghề nuôi trồng thủy sản hiện đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm. Trong quá trình nuôi, lượng chất thải đưa ra môi trường chiếm đến 70%. Để hạn chế tình trạng trên, các nhà khoa học khuyến cáo áp dụng mô hình nuôi kết hợp.

Mô hình nuôi cá kết hợp với trồng rong câu đã được các nhà khoa học chứng minh là có thể đem lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường, do rong câu hấp thụ các chất dinh dưỡng hòa tan làm giảm quá trình ô nhiễm từ hoạt động nuôi; Sau đó, chuyển dạng năng lượng thấp (chất thải) sang dạng năng lượng cao và hữu ích; Nhờ đó, giúp người nuôi tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, đồng thời bảo vệ được môi trường. Bên cạnh đó, rong câu cũng là nguồn thức ăn phong phú cho một số loài cá có tính ăn thiên về thực vật như cá dìa, cá rô phi. Vì vậy, việc trồng rong câu trong ao nuôi những đối tượng thủy sản này có thể giúp hạ chi phí thức ăn thủy sản.

Nuôi cá dìa trong ao đất cho thu nhập cao

Ở Việt Nam, cá dìa có ở hầu hết các tỉnh ven biển, trong đó phân bố nhiều nhất tại các vùng biển Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Trị. Do nhu cầu tiêu thụ của thị trường lớn, cho nên người dân vùng biển tại một số tỉnh miền trung đã thu vớt giống tự nhiên đưa vào ương nuôi, bước đầu đã cho thu nhập cao.

Cá dìa có giá trị kinh tế cao, thuộc loài cá rộng muối, thịt thơm ngon, chứa nhiều chất béo, bổ dưỡng, ít xương, được thị trường ưa chuộng. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã triển khai mô hình nuôi cá dìa thương phẩm tại vùng nuôi trồng thủy sản mặn lợ của phường Phú Hải, thành phố Đồng Hới và xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch trên diện tích 4.000 m2. Sau sáu tháng triển khai cho thấy, cá có tỷ lệ sống hơn 85%, trọng lượng thu hoạch trung bình 160 g/con, sản lượng ước đạt 800 kg. Với giá bán trên thị trường 200.000 đồng/kg sẽ cho doanh thu 160 triệu đồng, sau khi trừ đi các chi phí trực tiếp, hộ gia đình thu lãi hơn 82 triệu đồng.

Cá dìa là đối tượng nuôi có phổ môi trường rộng, kỹ thuật nuôi đơn giản, lớn nhanh, tỷ lệ sống cao. Cá ăn rong, tảo, mùn bã hữu cơ cho nên cá dìa rất phù hợp để nuôi trong các ao nuôi tôm kém hiệu quả giúp cải thiện môi trường, hạn chế rủi ro do dịch bệnh phát sinh. Đặc biệt, cá dìa rất ưa thích ăn rong câu, vì vậy cần chú trọng thả rong câu để làm thức ăn cho cá nhằm giảm chi phí sản xuất và bổ sung thêm cám, thức ăn công nghiệp hàm lượng đạm 20-25%.

Giảm chi phí thức ăn khi nuôi cá rô phi

Nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Thủy sản (trường Đại học Cần Thơ) đã tiến hành nghiên cứu những ảnh hưởng của các chế độ cho ăn khác nhau đến chất lượng nước và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá rô phi.

Cá rô phi (Oreochromis niloticus) là loài cá thông dụng trong bữa ăn hàng ngày, có giá trị thương phẩm cao, lớn nhanh, dễ nuôi và chống chịu tốt với các môi trường khắc nghiệt. Đây là loài cá ăn tạp, thức ăn chủ yếu là rong tảo và mùn bã hữu cơ với nhu cầu đạm thấp (25-35%). Trong khi đó, rong câu (Gracilaria sp.) là một trong những loài rong biển kinh tế, là thức ăn tốt cho các loài cá có tính ăn thiên về thực vật, đồng thời có vai trò lọc sinh học giúp cải thiện môi trường nước.

Thức ăn viên chuyên dùng cho cá rô phi hiệu Grobest và rong câu được thuần dưỡng ở độ mặn 10% thu từ ao nuôi tôm quảng canh cải tiến ở tỉnh Cà Mau được chọn làm thức ăn cho cá rô phi trong thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nuôi cá rô phi kết hợp với rong câu và lượng thức ăn lần lượt giảm dần ở mức 70% - 50% - 25% so với lượng thức ăn ở bể đối chứng (không có rong câu và cho ăn theo nhu cầu). Thí nghiệm được bố trí dưới mái che nilong trong, sục khí nhẹ và liên tục. Cá được nuôi ở nước có độ mặn 10%, mật độ 20 con/bể 80 lít, rong câu tươi 200g/bể, cho ăn 2 lần/ngày và thời gian nuôi là 56 ngày.

Kết quả cho thấy khi giảm lượng thức ăn càng nhiều thì hàm lượng TAN (NH4+/NH3) và NO2- trong bể nuôi càng ít và tỷ lệ sống của cá rô phi (khoảng 95-100%) cũng không khác nhau ở mỗi mức thức ăn. Đồng thời, khi cho ăn lượng thức ăn chỉ bằng 75% lượng thức ăn đối chứng thì cá có tốc độ tăng trưởng tương đương với cá ở bể đối chứng. Do đó, chi phí thức ăn viên có thể giảm 24,7%. Nhóm nghiên cứu đề nghị tiếp tục thực hiện nghiên cứu trong ao đất để đánh giá hiệu quả tài chính và khuyến khích các hộ nuôi cá sử dụng nguồn rong câu có sẵn tại địa phương.

Đến nay, công nghệ nuôi kết hợp đã trở thành phổ biến, được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng như Philippines, Ấn Độ, Thái Lan… Tại Việt Nam, mô hình này cũng đang được tuyên truyền, phổ biến áp dụng rộng rãi, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường.

Ngọc Thúy TCTS