Lợi ích khi nuôi tôm thẻ tích hợp rong biển
Một báo cáo mới đây vừa được đăng trên tạp chí Journal of Applied Phycology cho thấy lợi ích của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tích hợp với rong biển xanh trong hệ thống nuôi trồng thủy sản trao đổi nước tối thiểu.
Ứng dụng của rong biển (Ulva prolifera) trong nuôi trồng thủy sản
Ngành nuôi trồng thủy sản đã và đang phát triển một cách nhanh chóng trên toàn thế giới, kéo theo đó là các hệ lụy từ nguồn nước thải đang gây tác động không nhỏ đến môi trường. Nhận thức được vấn đề này, nhiều phương pháp nuôi thủy sản mới đang được ứng dụng rộng rãi để tái sử dụng nguồn nước đồng thời giảm thiểu lượng nước thải vào môi trường và qua đó giải quyết vấn đề tích lũy của nitrogen trong môi trường nước. Một trong những giải pháp được đánh giá có thể mang lại nhiều tiềm năng trong nuôi trồng thủy sản là mô hình nuôi thủy sản kết hợp với các loài rong hoặc tảo biển.
Rong Ulva prolifera nổi tiếng với tốc độ tăng trưởng nhanh, sinh sản tốt và nó có hiệu quả loại bỏ nitơ nhanh. Rong biển Ulva prolifera được báo cáo rằng có thể phát triển mạnh mẽ trong môi trường giàu dinh dưỡng và có khả năng hấp thụ hiệu quả nguồn dinh dưỡng tích lũy trong nước.
Trong nghiên cứu Lê Ngọc Hạnh và Toshiro Masumoto (2018) được đăng trên Tạp chí nghề cá sông Cửu Long số 12 năm 2018 đã cho thấy rong biển có thể được sử dụng như là một vật liệu lọc sinh học kết hợp với hệ thống nuôi khép kín nhằm giảm thiểu nitrogen trong nuôi trồng thủy sản.
Kết quả thu được cho thấy, với việc bổ sung rong biển như là vật liệu lọc sinh học trong hệ thống nuôi có hiệu quả giảm thiểu đáng kể lượng ammonia thải ra từ cá. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy mật độ tối ưu khi ứng dụng loại rong biển này trong hệ thống nuôi là từ 6 g/L trở lên đem lại hiệu quả cao và khác biệt có ý nghĩa so với các mật độ thấp hơn.
Từ kết quả nghiên cứu này chỉ ra rằng rong biển Ulva prolifera có thể được ứng dụng trong hệ thống tuần hoàn như là một vật liệu lọc sinh học một cách hiệu quả, và mật độ tối ưu để áp dụng cho sự hấp thụ dinh dưỡng của rong biển là 6 g/L.
Nuôi tôm thẻ chân trắng tích hợp rong biển
Tích hợp nuôi trồng rong biển trong hệ thống nuôi tôm được coi là một thực hành nuôi trồng thủy sản tiềm năng vì rong biển có thể chuyển đổi nitơ vô cơ hòa tan thành sinh khối và sinh khối có thể được thu hoạch dễ dàng.
Hong-xing Ge và cộng sự 2019 đã tiến hành nghiên cứu hiệu quả của việc tích hợp rong biển xanh (Ulva prolifera) với tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) mật độ nuôi 500 con/m3 ở các mức độ trao đổi nước khác nhau để đánh giá chất lượng nước và hiệu suất tăng trưởng của tôm.
Bốn lượng trao đổi nước hàng ngày là 5% (T1), 10% (T2), 15% (T3) và 20% (T4) với mật độ thả của rong biển U. prolifera là 800 mg/L.
Kết quả: Không có sự khác biệt đáng kể trong tổng nồng độ nitơ amoniac (TAN) giữa T2 và T3 (P> 0,05) từ khi bắt đầu đến cuối thí nghiệm. Và trong suốt quá trình thí nghiệm nồng độ nitrit và nitrat trong tất cả các các nhóm không đổi và luôn ở mức thấp. Vào ngày 35, không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ sống của tôm giữa các nhóm T2, T3 và T4. Không có sự khác biệt đáng kể về tỉ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) trong các nhóm T2, so với T1, T3 hoặc T4.
Nghiên cứu này đã chứng minh rằng việc nuôi tôm thẻ chân trắng (500 con/m3) tích hợp rong biển U. prolifera (800 mg/L) trong hệ thống nuôi với tỉ lệ trao đổi nước 10% có thể kiểm soát chất lượng nước và tăng cường sự phát triển của tôm.
Từ 2 nghiên cứu trên cho thấy tiềm năng sử dụng rong biển U. prolifera kiểm soát chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản thông qua khả năng chuyển đổi nitơ và ammonia trong nước. Do đó mô hình nuôi tôm/cá tích hợp với trồng rong biển là mô hình nuôi bền vững và tiềm năng trong tương lai.
Theo Journal of Applied Phycology và Tạp chí nghề cá sông Cửu Long.