Lợi nhuận doanh nghiệp cá tra tụt dốc
Xuất khẩu giảm, giá cả trên thị trường thế giới cạnh tranh, chi phí tài chính tăng... khiến nhiều doanh nghiệp cá tra giảm lãi tới vài trăm phần trăm, thậm chí lỗ.
So với các năm trước, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang các thị trường lớn trên thế giới đang có dấu hiệu đi xuống. Đặc biệt, theo thông tin từ Hiệp hội xuất khẩu và chế biến thủy sản (Vasep), Mỹ là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam có dấu hiệu đi ngang và tăng trưởng âm trong ít nhất 3 tháng qua.
Đơn vị có doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh nhất trong top các doanh nghiệp đầu ngành là Công ty cổ phần Hùng Vương (Mã CK: HVG). Báo cáo tài chính hợp nhất quý II của đơn vị này cho thấy doanh thu tăng vọt so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận lại lao dốc.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm doanh thu đạt 7.767 tỷ đồng, tăng 11% so với năm ngoái, thế nhưng, lợi nhuận sau thuế chỉ 76 tỷ đồng, giảm 217% so với cùng kỳ. Tính đến 30/6 nợ phải trả của đơn vị này là 9.210 tỷ đồng, tăng 49,6% so với đầu kỳ.
Lý giải nguyên nhân lợi nhuận giảm, Tổng giám đốc Dương Ngọc Minh cho biết, từ đầu năm đến nay đơn vị tiến hành nâng cấp, mở rộng và xây mới nhiều dự án dẫn đến chi phí đầu tư tăng. Trong đó, lãi vay quý II tăng thêm 43% so với cùng kỳ 2014. Ngoài ra, trong quý này, công ty còn nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta và Công ty cổ phần Chế biến thủy sản xuất khẩu Tắc Vân lên trên 50%. Cho nên hoạt động M&A này phát sinh lợi thế thương mại, làm chi phí tài chính tăng thêm 38%.
Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Mã CK: AGF) chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đều đi xuống. Báo cáo tài chính 6 tháng của doanh nghiệp cho thấy doanh thu đạt 1.050 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 5 tỷ, lần lượt giảm 30% và 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến thời điểm kết thúc quý II, khoản mục hàng tồn kho và phải thu ngắn hạn chiếm tới 94% tổng tài sản ngắn hạn, lần lượt là 1.134,5 tỷ và 788,2 tỷ đồng.
Theo giải trình của công ty này, thời gian qua doanh nghiệp liên tiếp bị lỗ ở mảng cá tra nguyên liệu, cộng với giá cả trên thị trường thế giới cạnh tranh, nguồn thu tài chính giảm vì không còn nguồn thu từ thanh lý các công ty con nên lãi xuống thấp.
Cũng tụt dốc mạnh, 6 tháng chỉ lãi vài trăm triệu đồng là Công ty cổ phần Thủy sản Mekong (Mã CK: AAM). Theo đó, nửa đầu năm đơn vị chỉ đạt doanh thu 170 tỷ đồng, lãi sau thuế 931 triệu đồng, lần lượt giảm 30% và 9 lần so với cùng kỳ 2014. Nguyên nhân lãi giảm là do doanh thu bán hàng và tài chính của công ty này teo tóp, trong khi đó, chi phí tài chính tăng gần 270%.
Bên cạnh các doanh nghiệp lớn có lợi nhuận sụt giảm thì trên sàn còn khá nhiều doanh nghiệp thu lãi rất thấp trong nửa đầu năm nay, thậm chí có công ty lỗ nặng trong quý II. Chẳng hạn như Công ty cổ phần Thủy sản Bạc Liêu (Mã CK: BLF) lỗ 2,4 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thủy hải sản Việt Nhật lỗ hơn một tỷ đồng, kéo 6 tháng âm hơn 2 tỷ đồng.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 7 tháng đầu năm xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường đạt 891 triệu USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang ba trên năm thị trường chính bị sụt giảm mạnh, chỉ có Mỹ và Trung Quốc là tăng. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đánh giá, nửa năm nay ngành nuôi cá tra gặp nhiều khó khăn do xuất khẩu giảm, nắng nóng kéo dài khiến cá gặp nhiều dịch bệnh dẫn đến diện tích nuôi giảm, nhiều hộ nông dân lâm vào tình cảnh thua lỗ.
Thông tin từ Hiệp hội nghề cá Việt Nam cũng cho thấy, 6 tháng qua các trang trại nuôi cá tra tại các tỉnh miền Tây thua lỗ nặng, nhất là các đơn vị ươm cá giống. Tại thời điểm đầu tháng 6, giá cá tra giống giảm 8.000 - 10.000 đồng một kg so với đầu tháng 5, thấp hơn giá thành sản xuất.
Nguyên nhân được các hộ nông dân đưa ra là thị trường xuất khẩu cá tra những tháng đầu năm gặp khó khăn khiến giá cá thương phẩm giảm chỉ còn 19.500 - 19.700 đồng một kg, làm cho người nuôi ngại thả, kéo theo giá cá tra giống giảm mạnh. Với mức giá bán cá tra giống như trên, người ươm cá tra giống lỗ 3.000 - 5.000 đồng một kg; năng suất ươm bình quân đạt khoảng 1 - 2 tấn cá giống mỗi 1.000 m2, tính ra nông dân ươm cá tra giống lỗ từ 3 đến 10 triệu đồng một công.