TIN THỦY SẢN

Long An: Hiệu quả bước đầu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

Ao nuôi ứng dụng công nghệ cao Mai Hương

Được sự hướng dẫn của các ngành chuyên môn, sự hỗ trợ của doanh nghiệp, người nuôi tôm tại Cần Giuộc mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao nhằm tiết kiệm chi phí, giảm công lao động, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Bắt tay hỗ trợ người nuôi tôm

Hiện nay, nông dân nuôi tôm nước lợ tập trung chủ yếu ở các xã vùng hạ, diện tích lũy kế các vụ hàng năm khoảng 2.500ha, sản lượng bình quân trên 5.000 tấn/năm. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết, thời gian qua, đơn vị tổ chức cho cán bộ, nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại nhiều tỉnh, thành phố cũng như các hội chợ, triển lãm quốc tế về thủy sản. Huyện còn chủ động phối hợp cơ quan chuyên môn tập trung triển khai xây dựng các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và tổ chức tuyên truyền để nhân rộng trong nhân dân.

Cần Giuộc hiện có 5 hợp tác xã , 42 tổ hợp tác nuôi tôm ở các xã trọng điểm của huyện như Đông Thạnh, Long Phụng, Phước Vĩnh Tây, Phước Lại, Phước Vĩnh Đông. Đến nay, toàn huyện có hơn 242ha tôm nuôi nước lợ ứng dụng công nghệ cao, trong đó có hơn 26ha mô hình nuôi hoàn chỉnh và 216ha nuôi ứng dụng một phần công nghệ cao.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, ông Ngô Bảo Quốc cho biết, qua quá trình tuyên truyền, người nuôi tôm nhận thức tốt hơn về chọn con giống. Số lượng tôm giống kiểm dịch được thả nuôi chiếm 80,5%. Người nuôi tôm ứng dụng một phần công nghệ cao (như si-phông đáy ao, nuôi nhiều cấp, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường, máy biến tần, máy cho ăn,...) mang lại hiệu quả tốt, môi trường ổn định, tôm thương phẩm đạt cỡ lớn, giúp người nuôi tiết kiệm chi phí, giảm công lao động, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế khá trong điều kiện giá tôm thương phẩm bấp bênh, có lúc giảm sâu bằng hoặc thấp hơn giá thành. Những lợi ích đó đã kích thích người dân đẩy mạnh thực hiện.

Mang lại hiệu quả kinh tế

Theo ông Ngô Bảo Quốc, trên địa bàn huyện có sự bắt tay giữa doanh nghiệp với người nuôi trong việc cung cấp con giống tốt (có kiểm dịch), thức ăn cũng như các trang thiết bị, vật tư phục vụ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Hiện Cần Giuộc có 36 cửa hàng thuốc thủy sản và 23 cửa hàng bán thức ăn, 17 cơ sở thuần dưỡng tôm giống.

Cửa hàng Phước Thắng (ấp Tân Đông, xã Tân Tập) là một trong những đơn vị hỗ trợ nông dân nuôi tôm nhiều năm qua. Tại cửa hàng có cả phòng thí nghiệm, nhân viên từ các doanh nghiệp cung cấp thuốc thủy sản hỗ trợ việc xét nghiệm mẫu nước trong ao tôm cho nông dân miễn phí. Ông Võ Phước Thắng - chủ cửa hàng, chia sẻ, hiện cửa hàng hỗ trợ từ 50-60 hộ nuôi tôm về con giống có kiểm dịch, thuốc thủy sản, thức ăn nuôi tôm từ đầu vụ đến cuối vụ mới thu hồi vốn. Việc hỗ trợ này thuận lợi nhiều cho người nuôi trong việc khống chế dịch bệnh trên tôm. Hiện các hộ nuôi tôm được sự hỗ trợ từ cửa hàng nuôi thành công chiếm từ 60- 70%, trước đây chỉ từ 40-50%.

Ông Trần Trung Nam, ngụ ấp Tân Chánh, xã Tân Tập, cho biết đã nuôi tôm trên 11 năm với diện tích 5.000m2 mặt nước chia làm 2 ao. Hiện 1 ao nuôi gần 3 tháng. Bình quân cứ 10 ngày, ông mang mẫu nước trong ao tôm đến cửa hàng Phước Thắng xét nghiệm chỉ tiêu môi trường nước ao nuôi phù hợp cho tôm hay không. Nếu nước chưa phù hợp cho tôm thì được hướng dẫn dùng các loại thuốc để xử lý nhằm nuôi tôm đạt hiệu quả.

Ông Nguyễn Thanh Tiền, ngụ ấp Đông An, xã Phước Vĩnh Đông, là một trong nhiều hộ dân ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm. Ông Tiền cho biết bắt đầu nuôi tôm năm 2012, ứng dụng công nghệ cao 2 năm nay trên diện tích 12.000m2. Quy trình nuôi tôm ông áp dụng gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thả tôm post trong bể trên cạn trong thời gian từ 23-30 ngày. Giai đoạn 2, ông đem tôm trong bể trên cạn thả nuôi trên ao đến khi thu hoạch. Hiện ông áp dụng phủ bạt đáy ao, máy si-phông đáy ao, máy cho ăn,... Mỗi ao nuôi nhà ông được trang bị 1 máy si-phông, 4 quạt máy, 1 máy cho ăn,... Đặc biệt trong quá trình nuôi, máy cho ăn giúp giảm công lao động nhưng cung cấp thức ăn mới thường xuyên, đáp ứng liên tục nhu cầu của tôm, giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng. Bên cạnh đó, hạn chế lượng thức ăn dư thừa, giúp duy trì chất lượng nước tốt.

Theo ông Tiền, khó khăn lớn nhất của người nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là tốn nhiều chi phí đầu tư, bình quân 1.000m2 từ 200-300 triệu đồng và thiếu điện. Nhưng bù lại, ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế hơn, giảm chi phí lao động, hao hụt đầu con, rủi ro và tôm đạt kích cỡ lớn, bán có giá trên thị trường. Bình quân mỗi ao có diện tích 2.500m2 ứng dụng công nghệ cao, ông thu hoạch trên 5 tấn tôm; sau khi trừ chi phí, có lãi trên 200 triệu đồng/vụ. Trong khi nuôi thông thường, lợi nhuận tối đa chỉ đạt 100 triệu đồng.

Ông Ngô Bảo Quốc cho biết thêm, so với các vùng nuôi tôm khác thì tôm trên địa bàn huyện Cần Giuộc thường đạt chất lượng khá tốt và tiêu thụ dễ dàng ở nhiều thị trường. Trong đó, tại huyện có 1 điểm giao dịch trung chuyển tôm gần giống như “sàn giao dịch”, người nuôi tôm và thương lái thỏa thuận giá cả, chủ vựa chỉ là trung gian đứng ra cân tôm và ăn hoa hồng.

Hiện Cần Giuộc tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng tôm đầu ra như kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, vật tư, thức ăn, thuốc thủy sản; khuyến khích các đại lý phối hợp doanh nghiệp thành lập các phòng xét nghiệm chỉ tiêu môi trường nước ao nuôi; nạo vét kênh, mương, xây dựng công trình thủy lợi, giao thông phục vụ tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh người nuôi tiếp cận các gói, chương trình hỗ trợ từ ngân sách. Tất cả biện pháp trên nhằm phấn đấu ổn định sản lượng tôm nuôi bình quân hàng năm đạt 5.000 tấn.

Mai Hương Báo Long An