Long An: Hiệu quả từ nuôi tôm mô hình VietGAP
Nhiều hộ nuôi tôm tại Long An áp dụng nuôi theo mô hình VietGAP đã tạo nguồn sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sản phẩm bền vững.
Long An có hàng ngàn ha diện tích nuôi tôm nước lợ. Những năm trước đây do các hộ nuôi tôm chủ yếu theo hình thức quảng canh cải tiến và sự hiểu biết cũng như đầu tư thâm canh chưa đúng mức, nên tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Khi nuôi tôm theo mô hình VietGAP, các yếu tố con giống, chất lượng thuốc đều được lựa chọn kỹ càng, nguồn nước, hệ thống thải, vệ sinh ao đầm được làm đúng quy chuẩn chung nên chủ động phòng tránh được bệnh tật.
Nhằm giúp người nuôi tôm nâng cao trình độ sản xuất, nắm vững biện pháp phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hỗ trợ Trung tâm Khuyến nông Long An xây dựng 5 mô hình trình diễn nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng quy trình VietGAP tại xã Phước Vĩnh Tây và Phước Lại, huyện Cần Giuộc.
Yêu cầu cụ thể của mô hình là ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ thâm canh theo quy trình VietGAP. Trong đó, các chỉ tiêu chính cần thực hiện bao gồm mật độ thả nuôi 80 con/m2, hệ số thức ăn 1.3, cỡ tôm thu hoạch khoảng 30 con/kg, đạt năng suất tối thiểu 10 tấn/ha.
Thông qua xây dựng mô hình trình diễn, Trung tâm tổ chức các cuộc hội thảo, tham quan để giới thiệu mô hình rộng rãi đến các hộ nuôi tôm khác được biết và áp dụng. Điểm mới lần này là các mô hình áp dụng phải đạt tối thiểu 80% theo bộ tiêu chí VietGAP và có ít nhất 1 hộ đạt đầy đủ tiêu chuẩn được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Chủ một hộ nuôi tại xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc cho biết: Lúc mới bắt đầu áp dụng, việc ghi chép nhật ký ao nuôi gặp khó khăn do chưa quen, nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên công tác ghi chép được thực hiện khá dễ dàng. Việc ghi chép hồ sơ đã giúp kiểm tra được tỷ lệ sống, lượng thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học đã sử dụng và kiểm soát được sự biến động của yếu tố môi trường nước trong ao nuôi.
Hiện nay tôm được nuôi nhiều ở các huyện như: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ và Châu Thành. Với phương pháp nuôi mới này, nhiều mô hình VietGap trong nuôi tôm thẻ chân trắng đã cho thu nhập mỗi vụ đến 300 triệu đồng trên diện tích khoảng 5.000m², tăng hơn 50 triệu đồng so với nuôi ngoài mô hình.
Chi cục Thủy sản Long An cho biết, được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, vừa qua đơn vị đã thực hiện trình diễn thí điểm mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP, từng bước hướng bà con nuôi tôm an toàn, tạo sản phẩm bền vững. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình, phấn đấu bước đầu đạt 5 - 10% diện tích nuôi. Đồng thời, đề xuất các chính sách hỗ trợ như đầu tư ao lắng, hợp tác với các tổ nuôi tôm, làm tiền đề cho việc nuôi tôm bền vững, ổn định, lâu dài.
Có thể nói, đây là mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, ít sử dụng thuốc kháng sinh, chất hóa học, tạo ra sản phẩm sạch có lợi cho sức khỏe con người và cho hiệu quả kép về kinh tế và môi trường.