Long An: Một số giải pháp cần lưu ý đối với người nuôi tôm hiện nay
Tình hình nuôi tôm nước lợ trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2015 diễn ra trong bối cảnh thời tiết bất lợi đối với người nuôi tôm: nắng nóng kéo dài, mặn xâm nhập sớm, có thời điểm nhiệt độ lên đến 38 độ C, độ mặn trên 32 phần ngàn, mưa trái mùa, nguồn nước bị ô nhiễm (nhiều thông số môi trường tại thời điểm quan trắc đầu nguồn nước cấp đều vượt ngưỡng cho phép đặc biệt là nitrite, amonia, vi khuẩn Vibrio…) làm gia tăng tỷ lệ tôm bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy, đường ruột, phân trắng, vi bào tử trùng…
Hiện nay, giá tôm thương phẩm đang giảm mạnh trong khi giá vật tư đầu vào không giảm, một số loại còn tăng giá, nên chi phí sản xuất của người nuôi tôm gia tăng. Do vậy năm 2015, tiến độ thả giống thâm canh, bán thâm canh chậm, một số diện tích bỏ trống.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thủy sản theo Công văn số 1234/TCTS-NTTS ngày 20-5-2015 về việc chỉ đạo tăng cường quản lý, sản xuất nuôi tôm nước lợ năm 2015, để hạn chế thấp nhất những rủi ro, bà con nuôi thủy sản thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, giám sát chặt chẽ tình hình nuôi tôm nước lợ, kiểm tra và hướng dẫn người nuôi tuân thủ qui trình kỹ thuật, lựa chọn và sử dụng giống tôm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt; Thực hiện ương vèo giống trước khi nuôi thương phẩm; Thả nuôi mật độ hợp lý, phát hiện nhanh dịch bệnh, xử lý kịp thời, khống chế không để dịch bệnh phát tán trên diện rộng. Cập nhật thông tin thị trường và thông báo tới người nuôi kịp thời tổ chức sản xuất phấn đấu đạt kế hoạch năm 2015.
Thứ hai, về con giống tôm cần tập trung kiểm soát chất lượng tôm giống.Tăng cường thanh tra, kiểm dịch tôm giống nhập tỉnh nhằm quản lý tốt chất lượng tôm giống phục vụ sản xuất. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản phải đáp ứng đầy đủ các quy định về quản lý giống thủy sản tại Thông tư 26 ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thứ ba, về quản lý thức ăn, chế phẩm sinh học và sản phẩm cải tạo môi trường cần tăng cường công tác kiểm tra thu mẫu phân tích nhằm phát hiện những sản phẩm kém chất lượng, những sản phẩm không có trong danh mục, xử lý nghiêm theo qui định và công khai kết quả kiểm tra trên phương tiện thông tin đại chúng, khuyến cáo đến người nuôi một cách kịp thời.
Thứ tư, về công tác quan trắc môi trường nước, cần cải tiến nội dung quan trắc, thực hiện các chỉ tiêu cần thiết. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng các thông tin quan trắc, cảnh báo môi trường, đặc biệt là ở các vùng nuôi tập trung để nhanh chóng phát hiện và cảnh báo cho người nuôi những biến động xấu về môi trường, nguy cơ bùng phát dịch bệnh nhằm phục vụ cho nuôi tôm nước lợ hiệu quả.
Thứ năm, về phòng trừ dịch bệnh, hướng dẫn và khuyến cáo người nuôi tuân thủ các biện pháp phòng bệnh cho tôm nuôi, khuyến khích áp dụng công nghệ nuôi tôm tiên tiến (nuôi tôm trong nhà kín, nuôi tôm nhiều giai đoạn, Biofloc, nuôi tôm trong hệ thống tuần hoàn, ít thay nước…) để kiểm soát các yếu tố môi trường và hạn chế dịch bệnh.
Thứ sáu, về thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tiếp tục rà soát và đề xuất các chính sách đầu tư phát triển thủy lợi, điện, giao thông, trại sản xuất giống, công trình xử lý nước thải phục vụ nuôi tôm nước lợ hiệu quả.
Thứ bảy, tăng cường hơn nữa các hoạt động khuyến nông.
Thứ tám, phát triển nuôi tôm theo định hướng quy hoạch và tập trung, đa dạng hóa các loại hình nuôi như nuôi tôm trong nhà siêu thâm canh, nuôi kết hợp tôm lúa, nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học… nhằm đảm bảo tính ổn định, bền vững.
Đặc biệt là xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm thông qua việc đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, hạn chế việc lệ thuộc quá lớn vào một vài thị trường, tập trung vào các thị trường tiềm năng có nhu cầu tốt như ASEAN, Hàn Quốc. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh sản xuất tập trung hướng đến chất lượng "sản phẩm sạch" để tạo thương hiệu tôm Việt Nam./.