TIN THỦY SẢN

Long An nuôi tôm nghịch vụ đón tết

Nông dân nuôi tôm đón Tết Huỳnh Phong - Bùi Tùng

Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Long An đã và đang thả nuôi tôm nghịch vụ để đón tết. Nuôi tôm vụ này đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do những tháng cuối năm, nhiệt độ xuống thấp. Song, nếu áp dụng kỹ thuật thành công, những diện tích tôm vụ nghịch có thể thu hoạch vào dịp đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Với những kinh nghiệm tích lũy, nhiều người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đang kỳ vọng vụ mùa bội thu.

Những ngày này, ông Mai Bá Phước (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) đang tất bật chăm sóc 0,5ha tôm. Ông Phước cho biết: “Nuôi tôm vụ này thường rủi ro cao, do khoảng thời gian gần tết, nhiệt độ hạ thấp, nguy cơ dịch bệnh nhiều. Tuy nhiên, do đầu ra ổn định và giá thành cao hơn so với những vụ trước nên tôi “đánh cược” với thời tiết, đầu tư nuôi tôm vụ nghịch. Hiện tôm của tôi gần 20 ngày. Thời tiết những ngày đầu đông khá thuận lợi, nếu thành công, vụ tôm này gia đình tôi sẽ thu hoạch vào những ngày gần Tết Nguyên đán. Hy vọng, được mùa, trúng giá”.

Theo anh Lê Văn Sự (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành), nuôi tôm vào những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều rủi ro và nguồn vốn bỏ ra lớn, nhưng nếu tuân thủ đúng các quy trình chăm sóc, tôm vụ nghịch này sẽ cho sản lượng và giá trị tương đối. Đặc biệt, thu hoạch bán ở thời điểm cận tết nên rất được giá. Thời điểm hiện tại, giá tôm thẻ chân trắng đã 90.000 đồng/kg (loại 100 con/kg), thời điểm cận tết có thể lên từ 5.000-10.000 đồng/kg. Những hộ nuôi tôm vụ này thành công thường có nguồn lãi lớn. Đó là lý do nhiều hộ dân quyết tâm nuôi vụ này, bất chấp nhiều khó khăn trong nuôi trồng, địa phương không khuyến cáo. Vụ này, gia đình anh thả hơn 200.000 con tôm giống trên diện tích 0,3ha ao nuôi. Do 2 vụ trước hiệu quả kinh tế không được như mong đợi nên anh hy vọng tôm vụ này được giá cao.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương thông tin: “Mấy năm nay, giá tôm không ổn định cộng thêm tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều bệnh trên tôm khiến nhiều hộ dân gặp không ít khó khăn. Để bảo đảm người dân nuôi tôm trên địa bàn huyện đạt hiệu quả, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng thường xuyên hướng dẫn người nuôi tôm khử trùng ao nuôi, hỗ trợ thuốc xử lý nguồn nước, đồng thời yêu cầu người nuôi tôm xử lý ao, hồ theo đúng quy trình kỹ thuật trước khi thả nuôi, tái sản xuất nhằm tránh dịch bệnh”.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh - Phạm Phú Hùng khuyến cáo: “Thời gian này, nhiệt độ lạnh là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh trên tôm phát triển mạnh dẫn đến tỷ lệ rủi ro trong nuôi tôm cao. Do đó, ngành không khuyến cáo người dân thả nuôi vào những tháng cuối năm. Nhưng để nuôi tôm đạt hiệu quả, người dân phải thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, chất lượng môi trường nước, quan trắc trước khi thả nuôi. Trong quá trình nuôi, cần giám sát tình hình dịch bệnh, nắm vững kỹ thuật và áp dụng những tiến bộ khoa học vào nuôi tôm; quản lý chặt chẽ lượng thức ăn hàng ngày, cần bổ sung thêm vitamin C, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi. Khi nhiệt độ thay đổi, cần giảm cho tôm ăn và mở quạt nước thường xuyên. Kiểm tra sức khỏe tôm hàng ngày: Màu sắc tôm, khả năng hoạt động, vỏ tôm, khối gan tụy, ruột,... để có các biện pháp kỹ thuật xử lý kịp thời và hợp lý nhất”.

Đến nay, toàn tỉnh thả nuôi 620,2ha tôm nước lợ (tôm sú 131,9ha, tôm thẻ chân trắng 488,3ha), đã thu hoạch 117,2ha, năng suất bình quân ước 1,8 tấn/ha, sản lượng đạt 210,4 tấn.

Huỳnh Phong - Bùi Tùng Báo Long An