TIN THỦY SẢN

Luân canh tôm - lúa trên đất phèn nhiễm mặn

Ông Khải đang kiểm tra mô hình nuôi tôm của mình. Trúc Linh

Nhiều nông dân ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, ngày càng tin tưởng vào mô hình luân canh tôm - lúa mà dự án “Xây dựng và phát triển mô hình tôm - lúa luân canh trên vùng đất phèn nhiễm mặn ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang” được kỹ sư Nguyễn Hoàng Tâm, Chi cục Thủy sản tỉnh triển khai nhằm phát triển bền vững kinh tế gia đình.

Dự án được triển khai với mục tiêu nhân rộng mô hình canh tác lúa hiệu quả cho nông dân. Các mô hình được xây dựng giúp nông dân sản xuất nông nghiệp ổn định bền vững, khai thác tốt tiềm năng đất đai, tận dụng nguồn nước mặn xâm nhập trong mùa khô trên địa bàn huyện Long Mỹ. Song song đó, dự án còn giúp người dân có thêm thông tin và sự hiểu biết về mô hình nuôi tôm luân canh với lúa trên vùng đất nhiễm phèn mặn. Trên cơ sở đó người dân có thể tự tổ chức sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Thực hiện từ tháng 6-2017, chủ nhiệm dự án Nguyễn Hoàng Tâm đã xây dựng 3 mô hình nuôi tôm sú quảng canh và 3 mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến luân canh (1 vụ tôm - 1 vụ lúa) với tổng diện tích 6,1ha. Qua mô hình trình diễn, chủ nhiệm dự án rút ra kinh nghiệm và xây dựng quy trình sản xuất tôm - lúa luân canh trên vùng đất phèn nhiễm mặn cho nông dân áp dụng rộng rãi. Đến nay, dự án đạt một số kết quả khả quan như: tỷ lệ tôm sống tương đối cao, lớn đồng đều, tôm đạt kích cỡ như yêu cầu. Hiện có một số mô hình thu hoạch cho lợi nhuận từ 5 triệu đồng đối với mô hình quảng canh và 7,6 triệu đồng đối với mô hình quảng canh cải tiến/ha/vụ. Đến nay, sau 6 tháng nuôi, 4/6 hộ nuôi đều thu lợi nhuận và đang tiến hành gieo sạ lúa theo giống lúa lai F1 với đặc tính vượt trội là năng suất cao, kháng rầy và sâu bệnh, chịu mặn...

Theo kỹ sư Nguyễn Hoàng Tâm, mặc dù là mô hình mới, song sản xuất tôm - lúa đã giúp khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần tăng thu nhập cho người dân trên cùng diện tích đất canh tác. Bên cạnh đó, mô hình này còn có tác động tích cực trong việc cải tạo môi trường sinh thái. Trồng lúa sau vụ nuôi tôm sẽ tận dụng được chất thải hữu cơ dưới đáy ao, nhờ vậy nông dân chỉ cần bón thêm ít phân là đáp ứng được nhu cầu phát triển của cây lúa. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết bất lợi, mưa nhiều, không đủ độ mặn làm cho tôm chậm lớn nên lợi nhuận đạt 8 triệu đồng/ha. Dù vậy, cũng giúp người dân khu vực ngoài đê bao tăng nguồn thu nhập, tận dụng được đất trống mùa ngập mặn.

Gia đình ông Nguyễn Văn Khải, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, là một trong những hộ thực hiện mô hình của dự án cũng cho hiệu quả khá cao. Theo ông Khải, nuôi tôm - lúa so với làm 2 vụ lúa nhàn hơn nhiều. Bởi nuôi theo hình thức quảng canh không cho ăn thì đỡ công chăm sóc. Với lại, tôm là loại thức ăn được thị trường ưa chuộng, sau khi thả nuôi 3 tháng là bắt đầu tuyển bán với giá 190.000 đồng/kg, có thu nhập hàng ngày cũng vài trăm ngàn đồng trong suốt 3 tháng.

Đánh giá cao về mô hình tôm - lúa, bà Đào Thị Gỉ, ở cùng ấp 6, xã Lương Nghĩa, cho biết: “Tôi nuôi tôm lâu rồi nhưng không đạt như năm nay. Năm rồi, tôi tự nuôi theo cách của mình bị thua lỗ 40 triệu đồng, năm nay làm theo hướng dẫn của các kỹ sư, tôi bán tôm thu lời gần 20 triệu đồng mà không phải tốn chi phí thức ăn gì cả”.

Qua thực tế mô hình tôm - lúa cho thấy loại hình sản xuất luân canh này đã chứng minh được hiệu quả, cho thu nhập gấp 2-3 lần so với độc canh cây lúa. Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, vùng chuyên lúa của tỉnh ngày càng bị mặn xâm nhập nghiêm trọng thì mô hình tôm - lúa mở ra hướng sản xuất bền vững hơn.

Trúc Linh Báo Hậu Giang