Luật Thủy sản trong xu thế hội nhập
Ngày 11/12, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị tổng kết 12 năm thi hành Luật Thủy sản nhằm đánh giá tình hình thi hành Luật và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thủy sản phục vụ việc xây dựng dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).
Sau 12 năm triển khai Luật Thủy sản (2003-2015), chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể ngành thủy sản, hệ thống chính sách phát triển thủy sản được ban hành tương đối đầy đủ; các chương trình đề án được phê duyệt và triển khai thực hiện tương đối hiệu quả.
Luật Thủy sản và các văn bản dưới luật là cơ sở pháp lý để ngành thiết lập hệ thống các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ vùng nước nội địa, góp phần bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, Luật Thủy sản đáp ứng nhu cầu chủ động đầu tư sản xuất theo hướng vươn khơi. Cụ thể, đến nay cả nước có hơn 117.000 tàu cá, trong đó số tàu trên 90 mã lực tăng mạnh. Việc tăng số lượng tàu khai thác xa bờ đã góp phần tăng cường sự hiện diện dân sự, qua đó giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển.
Trong điều kiện thị trường xuất khẩu thủy sản ngày càng mở rộng với kim ngạch từ hơn 2 tỉ USD vào năm 2009 lên gần 8 tỉ USD vào năm 2014, Luật Thủy sản cũng Điểm neođã tạo cơ sở pháp lý để Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế về thủy sản và ký kết các điều ước quốc tế về thủy sản.
Chính vì vậy, tại hội nghị, một số đại biểu cho rằng, việc sửa đổi bổ sung luật mới phải giải quyết các vấn đề bức thiết cuộc sống đang đặt ra mà luật cũ đã không còn giải quyết được như: Quy hoạch cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản; quản lý giống và các vật tư thủy sản trong nuôi trồng; điều kiện nuôi trồng thủy sản, bảo vệ và phát triển các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực…
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, quá trình sửa đổi Luật Thủy sản phải đáp ứng yêu cầu đồng bộ với các luật khác như: Luật Đa dạng sinh học, Luật Đất đai, Luật Biển, Luật An toàn thực phẩm... đồng thời đảm bảo tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại song phương, yêu cầu của các thị trường về an toàn thực phẩm...