Lượng giá mô hình “Nuôi Cua thương phẩm bằng giống nhân tạo” tại Nhà Bè
Nhà Bè là một trong những huyện của Tp.HCM phát triển về nghề nuôi trồng thủy sản và đối tượng nuôi chính là con tôm. Nhưng hiện nay nghề nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, do thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh xảy ra thường xuyên… đã ảnh hưởng lớn đến nghề nuôi tôm. Do đó, để đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản cho nông dân có sản phẩm an toàn và hiệu quả, Trạm Khuyến nông huyện Nhà Bè – Quận 7, trực thuộc Trung tâm Khuyến nông thành phố đã triển khai mô hình “Nuôi Cua thương phẩm bằng giống nhân tạo” với quy mô 1ha cho 03 hộ tại xã Phước Hiệp. So với nuôi Tôm thì nuôi Cua biển chi phí không cao, nhưng giá trị kinh tế mang lại cao và đây lại là đối tượng dễ nuôi, phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên ở địa phương về độ mặn, độ kiềm, pH… (độ mặn ở xã Phước Hiệp dao động từ 0 - 15%o/năm). Từ những điều kiện đó, Khuyến nông đã mạnh dạn triển khai mô hình cho bà con thực hiện.
Sau 05 tháng triển khai, Khuyến nông đã tổ chức lượng giá và tham dự có đại diện các phòng ban Trung tâm Khuyến nông thành phố, ông Nguyễn Tấn Đông – Trưởng Trạm Khuyến nông huyện, ông Trần Minh Dẫu – Phòng Kinh tế huyện và hơn 20 nông dân nuôi cua trên địa bàn huyện. Qua đó, bước đầu đã ghi nhận mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân như: Cua phát triển tốt, tổng sản lượng đạt 1.875kg với giá bán bình quân trên thị trường 150.000đ, sau khi trừ chi phí, thu được hơn 140 triệu đồng/vụ, chia đều 03 hộ mỗi hộ lãi khoảng 45 triệu đồng/vụ.
Ông Nguyễn Văn Năng – hộ tham gia mô hình cho biết: Trước đây gia đình ông nuôi Tôm, tuy lãi nhiều nhưng độ rủi ro cao, nặng công chăm sóc… Gia đình may mắn được Khuyến nông hỗ trợ về con giống và thức ăn chăn nuôi Cua giống nhân tạo, ông thấy giống Cua này dễ nuôi, cho ăn đơn giản hơn chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp, mà giá thành đầu ra ổn định và khá thuận lợi.
Ông Trần Ngọc Lân – cán bộ Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông thành phố phát biểu, trước đây các hộ nuôi Cua chủ yếu sử dụng giống tự nhiên với mức độ kích cỡ không đồng đều, nên chúng dễ cắn nhau và chết, vì thế không đạt hiệu quả. Do đó, người dân nên sử dụng nguồn giống nhân tạo thay cho nguồn giống tự nhiên, vì nguồn Cua giống tự nhiên ngày càng khan hiếm, trong khi đó tỷ lệ kích cỡ Cua nhân tạo đồng đều hạn chế ăn thịt lẫn nhau, ít hao hụt và qua đó người nuôi có thể học hỏi và biết áp dụng kỹ thuật nuôi thâm canh sử dụng thức ăn công nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế, có thu nhập tốt cho nông hộ.