TIN THỦY SẢN

Lưu thông hàng thủy sản "ách tắc" vì căng thẳng dịch bệnh

Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ kiểm tra y tế tại chốt cầu Vĩnh Bình, quốc lộ 13. Mai Ca

Những ngày gần đây, toàn bộ xe container và xe tải di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh - Đồng bằng sông Cửu Long đang ách tắc tại các điểm chốt chặn vào tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp. Nguyên nhân được các doanh nghiệp thủy sản cho biết là do các địa phương này yêu cầu tài xế phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 bằng phương pháp Realtime RT-PCR.

Cụ thể, thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hội này nhận phản ánh của các doanh nghiệp từ sáng ngày 8/7 về việc toàn bộ xe container và xe tải di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh - đồng bằng sông Cửu Long đang ách tắc tại các điểm chốt chặn vào tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp. Điều này xuất phát từ việc hai địa phương trên yêu cầu tài xế phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR (thời hạn không quá 3 ngày khi có kết quả xét nghiệm), còn các nhà vận chuyển thì không kịp chuẩn bị cho yêu cầu mới này.

Theo các doanh nghiệp thủy sản, yêu cầu đột ngột này của UBND tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp đang làm tắc nghẽn hoạt động vận chuyển hàng hóa, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng hoạt động kinh doanh xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh tình hình vận chuyển quốc tế trong nửa đầu năm vô cùng khó khăn, cước vận tải biển đã tăng gấp 5-7 lần, container khan hiếm. Đây là một yêu cầu hết sức gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Mới đây, trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến ở một số địa phương, ngày 28/5/2021, Bộ Y tế đã gửi Công văn số 4351/BYT-MT tới UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa. Trong đó đề nghị các tỉnh thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-COV-2 cho người điều khiển phương tiện vận chuyển đến, đi ra từ khu vực phong tỏa hoặc khu vực ổ dịch (vào thời điểm trước khi đến, đi ra và khi quay về).

VASEP chỉ ra, trong công văn này của Bộ Y tế cũng chưa yêu cầu UBND các tỉnh cân nhắc nâng xét nghiệm đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa từ phương pháp test nhanh sang PCR. Do đó, VASEP cho rằng, để vừa đảm bảo chống dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn 4351 vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa, tránh gây tình trạng kẹt cảng vì hàng nhập, kẹt kho lạnh vì không nhập được hàng để chờ kết quả ở các điểm chốt, UBND các tỉnh nói chung, tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp nói riêng nên thực hiện như văn bản hướng dẫn trên của Bộ Y tế.

Mai Ca Báo Công Thương