Ly kỳ chuyện câu 'cá thần' ở Đảo Cò
Đảo Cò ở xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện (Hải Dương) không chỉ nổi tiếng là nơi đất lành chim đậu. Ở đây cá nhiều vô kể, những con cá to bằng bắp đùi người lớn, bằng cột nhà, bằng những đứa trẻ lên 5… Nhưng có một điều khiến Đảo Cò càng nổi tiếng hơn khi thông tin một người dân câu được “cá thần” và những lời đồn thổi về nó.
Anh Cường từng câu được con cá 25kg tại hồ Đảo Cò
Chuyện về cần thủ câu được “thủy quái”, những người ăn thịt chúng kẻ thì bị chết, người tán gia bại sản nhưng có nhiều người lại ăn nên làm ra được họ kể cho nhau nghe không ngớt lời. Phóng viên đã cất công đến tận nơi để cho bạn đọc rõ và biết chính xác về câu chuyện gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.
Sự tích Đảo Cò
Đảo Cò nằm giữa lòng hồ An Dương, thuộc địa phận xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, từ lâu được biết đến bởi đây là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Du khách đến đây không chỉ bơi thuyền, vãng cảnh ngắm chim muông mà còn có được giây phút tịnh tâm ôm chiếc cần câu, thả mồi và “đánh đố” với lũ cá giữa lòng hồ mênh mông sóng nước.
Đảo Cò những ngày đầu tháng 6 này vắng vẻ bởi chưa có khách du lịch, âm thanh chính khuấy động cả một vùng là tiếng kêu của lũ cò con yếu ớt mới được vài tháng tuổi đang đợi cò mẹ đi tìm mồi. Lác đác trên lòng hồ chỉ có vài đôi bạn trẻ bơi thuyền. Cuộc sống của những người dân quanh Đảo Cò cũng bình dị, chân chất như những lũ cò vậy.
Có lẽ, người dân xã Chi Lăng Nam hôm nay không một ai biết rõ được gốc tích của Đảo Cò. Đem thắc mắc này tìm đến các bậc cao niên trong làng đều nhận được những cái lắc đầu nguây nguẩy. Người dân nơi đây kể lại rằng, xa xưa từ khoảng thế kỷ XV, hồ nước rộng lớn này vốn là ruộng trồng lúa quanh năm tươi tốt, mùa màng bội thu.
Trong một trận đại hồng thủy, không may tuyến đê sông Hồng ở gần đó bị vỡ, toàn bộ phần diện ruộng bị nước nhấn chìm nên hình thành hồ An Dương đến tận ngày nay. Ngày đó, ven hồ có một cụ già ngày ngày chở đầy đất đắp lên chiếc thuyền nan ra ngay lòng hồ để làm nền, dựng lên một cái miếu thờ, trồng rất nhiều cây. Hai gò đất nhỏ bây giờ nổi lên, có nhiều cây cối là nơi trú ngụ của lũ cò. Tên gọi Đảo Cò ra đời từ đó.
Đảo Cò rộng chừng 30ha, gọi là Đảo Cò nhưng thực chất chỉ có hai gò đất nhỏ nhô lên giữa mặt hồ rộng lớn. Trên đảo có rất nhiều bụi cây, lại cách xa và nằm biệt lập với dân nên có lẽ đây chính là nguyên nhân từ bao đời nay cò tập trung về đây sinh sống, trú ngụ rồi sinh sôi nảy nở đến nay có cả hàng nghìn, hàng vạn con.
Tạt vào một quán nước ven hồ để tìm hiểu sự thật quanh những lời đồn về con “cá thần” nặng gần 30kg, chúng tôi nhận được những lời cởi lởi. Thậm chí, câu chuyện khiến chúng tôi như thể tin đó là sự thật khi họ cao hứng kể. Bà Hồng, người bán nước ở Đảo Cò quả quyết “mấy năm trước có người câu được con “cá thần” to lắm.
Nghe đâu, nhiều người rủ nhau làm thịt ăn uống, nhậu nhẹt rồi một số người bị cá “báo oán” mà chết, số người còn lại sợ quá nên mời thầy cúng để làm lễ tạ tội may ra thoát khỏi nạn nhưng cũng không tránh khỏi chuyện tan gia bại sản. Ở cái hồ này, người biết rõ mười mươi câu chuyện hơn ai hết chính là đôi vợ chồng trẻ chủ hồ câu Đảo Cò. Họ biết rõ những con cá họ từng thả xuống, những vị khách đi câu gắn bó lâu năm nhất tại cái hồ này.
Nghe chuyện câu “thủy quái”
Chúng tôi tìm gặp chủ nhân chủ hồ câu tại Đảo Cò là vợ chồng anh Nghị và chị Lán. Vốn là dân bản địa, anh chị cưới nhau rồi ra ở riêng và xin đấu thầu hồ Đảo Cò này để thả cá làm nghề kiếm cơm, mưu sinh. Chị Lán cho biết, những năm đầu khi Đảo Cò chưa được sự quan tâm và đầu tư của chính quyền thì họ cũng chỉ biết thả cá rồi chăm sóc, đến độ cá thu hoạch được thì mang bán. Cách đây độ hơn 5 năm, khi Đảo Cò được quy hoạch làm khu du lịch sinh thái nên gia đình nảy ra ý tưởng kinh doanh thả cá hồ câu để thu hút du khách.
Chúng tôi chưa nói dứt lời khi muốn tìm hiểu về câu chuyện “cá thần” như mọi người rỉ tai thì chị Lán đã gạt phăng đi. Chị Lán bảo “làm gì có chuyện đó, tất cả chỉ là những lời đồn không có cơ sở. Không tin, các chú cứ tìm đến người câu được con cá là anh Nguyễn Hữu Tùng ở thị trấn Ninh Giang thì biết rõ nhất”.
Lần theo địa chỉ và số điện thoại của anh Tùng mà chị Lán cung cấp – người câu được con cá trắm đen nặng gần 30kg cách đây ngót nghét 3 năm nhưng đến nay vẫn còn “nổi tiếng”. Ngược Đảo Cò hơn 20km, tìm đến đầu thị trấn Ninh Giang hỏi anh Tùng “còi” sửa chữa đồng hồ thì không ai lạ lẫm. Khi chúng tôi gắn thêm cái sự kiện chính anh là người câu được con cá trắm đen nặng gần 30kg từ năm 2009 thì càng làm Tùng trở nên nổi tiếng hơn.
Rất nhiều người câu được cá to ở Đảo Cò vẫn bình an vô sự.
Những ánh mắt dò xét tỏ ra nghi ngại xen lẫn sự tò mò của người dân khi thấy chúng tôi cố hỏi cho bằng được manh mối về nhân vật này. Mấy chị bán thịt ở cạnh đó bảo rằng, “những người ăn cá chết hết rồi. Lấy đâu ra nữa mà gặp”. Thông tin càng khiến chúng tôi hoài nghi, nói như vậy nghĩa là ngay cả chủ nhân câu được con cá cũng đã bị chết? Một sự kỳ lạ, trùng lặp với những lời đồn mà chúng tôi từng nghe được khi lần đầu tiên đến Đảo Cò.
Ki-ốt nhỏ nằm trên con phố Trần Hưng Đạo là cửa hàng sửa chữa đồng hồ của anh Tùng gần 10 năm nay. Cửa hàng hôm nay không có khách nhưng may mắn chủ nhân lại có nhà. Nghe tiếng gọi, anh Tùng nhanh chân từ trong nhà đi ra tiếp khách. Khác với những gì chúng tôi hình dung về anh, người câu được con cá “kỷ lục” ở Đảo Cò chắc chắn phải là người có thứ gì đó “sành điệu”, hùng hổ hay cũng có thể là dân “anh chị” một chút.
Tùng dáng người mảnh mai, gầy và mỏng trông bộ dạng thật yếu ớt nhưng dễ gần, dễ bắt chuyện ngay từ lần gặp đầu dù là người lạ. Biết chúng tôi đến để tìm hiểu về chuyện câu được con cá mà nhiều người cho đó là “cá thần” và những lời truyền miệng rùng rợn anh liền cười và nói “chuyện cách đây gần 3 năm rồi. Có gì hay ho đâu mà kể”.
Anh Tùng kể lại chuyện câu được con cá trắm đen đó là vào khoảng giữa tháng 7/2009 ngay ở Đảo Cò. Con cá câu được có trọng lượng chính xác là 29,8kg. Gắn bó với thú vui câu cá được nhiều người cho là thú giải trí này đến nay đã được hơn 5 năm. Nhưng với anh Tùng thì việc câu được con cá trắm đen có trọng lượng như vậy là chưa từng có và chưa từng bắt gặp một ai. Rót chén nước mời khách, anh Tùng kể tỉ mỉ và tường tận về cuộc vật lộn với “thủy quái” trên hồ Đảo Cò.
Cũng như những lần câu trước ngay tại cái hồ này, anh Tùng chèo thuyền ra gần giữa hồ nơi vị trí câu mà anh đã chọn. Mồi câu, đồ câu, đồ nhử và các thứ anh đã chuẩn bị sẵn đầy đủ. Cũng như thường lệ anh vứt gạo rang và ốc xuống hố câu. Có một điều lạ là ngày hôm đó cá không hề cắn câu anh dù chỉ một lần. Người ta bảo, đi câu nó chỉ phù hợp với những người kiên trì bình tĩnh và muốn được tĩnh tâm thư thái đầu óc. Và những người như anh Tùng có thừa những đặc điểm đó.
Có lẽ sự kiên trì đã khiến con cá này “dính” phải chùm lưỡi câu của anh. Lúc đó là gần 18 giờ, mặt trời đã khuất bóng, anh đang định thu dọn đồ câu để về nhà kịp trước lúc trời tối thì bỗng dưng chiếc phao đang lềnh bềnh trên mặt nước bị kéo chìm xuống không nhìn thấy nữa.
Cần câu bị kéo cong, những đường chạy rẽ sóng ở dưới lòng hồ, những hàng bọt trắng xóa sôi ùng ục rồi nổi lên mặt nước. Như một phản xạ tự nhiên cộng thêm kinh nghiệm thâm niên trong nghề đi câu, anh Tùng biết cá đã cắn và mắc phải câu là một con cá lớn. Ngay lập tức anh thả hết dây cước để đề phòng bị đứt, mặc cho con cá vùng vẫy dưới nước.
Con cá rất khỏe, nếu quyết định để đưa nó lên bờ bằng cách dùng vợt lưới to, lưới chắc chắn hòng để “lừa” nó vào và tóm gọn. Nhưng nghe ra mọi phương án trên đều khó thực hiện. Tùng bảo, nếu mình “ép” nó quá thì sợ cá sẽ vùng vẫy mạnh và dẫn đến rách mép hoặc đứt dây câu sổng mất.
Phương án thả thòng dây cước rồi lại thu về theo động tác “gìm”, “dòng” nhằm làm sao cho con cá nhanh đuối sức thì đến lúc đó mới tìm cách kéo nó lên bờ. Nói thì nghe có vẻ đơn giản nhưng để đưa được con cá lên bờ, Tùng đã phải vật lộn với nó gần 4 tiếng đồng hồ thì nó mới chịu đầu hàng. Thông tin anh Tùng câu được cá trắm đen to nhất từ trước đến nay đã nhanh chóng loan rộng ra khỏi xã Chi Lăng Nam, người dân các xã lân cận đó cũng đổ về đông kịt.
Cả xã kéo đến chật ních cả đoạn đường trước cửa cốt là để tận mắt mục sở thị con “quái vật” có một không hai này. Khoảng 23 giờ, mọi người quyết định làm thịt con cá trắm đen và cùng chia cho nhiều người thân. Lúc mổ bụng con cá cũng chẳng có gì đặc biệt. Anh Tùng cho biết, trứng cá nặng 7kg, dạ dày cá nặng chừng 1,5kg, những chiếc vảy cá to bằng miệng những cái chén sứ uống rượu. Cá trắm đen là món ăn khoái khẩu nhất trong buổi tối hôm đó cho chính chủ nhân câu được nó và những người thân.
“Cá thần” báo oán?
Để minh chứng, giải thích và tìm ra kết luận cuối cùng xung quanh lời đồn thổi “cá thần” lấy mạng nhiều người, chúng tôi lặn lội ngược xuôi để tìm gặp thêm nhân chứng. Lần theo nhiều manh mối, may mắn chúng tôi gặp anh Cường, một cần thủ hiện đang sống ở Hà Nội từng đã nhiều lần đến Đảo Cò để câu cá.
Anh Cường có biệt danh là “Cường sát cá”. Vốn là một người rất mê đi câu, Cường từng đến Đảo Cò rồi “đóng chốt” ở đó có khi phải đến cả tuần mới về nhà nếu chuyến đi thắng lợi lớn. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở vị cần thủ này nghe có vẻ hơi “lạ” đời và rất khác người là dù có câu được nhiều cá nhưng anh đều thả chúng lại hồ, có chăng chỉ lấy một vài con.
Là một “sát thủ cá” có tiếng nhưng vận may đến với anh Cường cũng chỉ câu được những con cá trắm đen nặng đến 25kg. Chị Lán cho biết, trong một ngày may mắn, anh Cường câu được 4 con cá trắm đen. Con nặng nhất là 25kg, con bé 17kg. Trước khi ra về chủ hồ là anh Nghị năn nỉ mãi nên anh Cường mới chịu nhận mang về con cá 25kg do chính tay mình câu được.
Dân gian từ lâu vẫn truyền miệng nhau những câu nói kiểu như “được chim thì chết già, được cá thì chết trẻ”. Không biết với những người thường sống bằng nghề đánh bắt cá hay thường xuyên đi câu cá có biết chuyện này không? 10 ngày kể từ khi anh Cường câu được những con cá to ở Đảo Cò thì ngay sau đó cũng là lúc anh Tùng may mắn “giật” được giải vì câu được con cá lớn nhất từ trước đến nay.
Sau thông tin ấy, nhiều cần thủ các nơi xa như ở Hà Nội, thành phố Hải Dương, Hải Phòng… đều tìm đến để muốn thử vận may như anh Cường, anh Tùng nhưng họ kém may mắn. Trong khi đó, một số người đi câu còn bị cá “tấn công” khiến họ phát sợ. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như gần một năm sau dư luận đồn thổi về con “cá thần” này. Một người bạn của anh Tùng tên là Hậu không may bị tai nạn chết.
Cái chết của anh Hậu được người dân nơi đây “bắt bệnh” cho rằng bị “cá thần” lấy mạng. Họ kể rằng, đêm hôm đó anh Hậu cùng với mấy người nữa sau khi nhậu nhẹt xong thì cùng rủ nhau đi ôtô sang Hưng Yên đánh bạc. Đêm hôm họ thắng lớn, nghe đâu được mấy trăm triệu. Trên đường về nhà không hiểu nguyên do gì mà lái xe đâm vào gốc cây khiến ba người đã bị tử vong trong đó có anh Hậu?.
Hỏi về người bạn thân đã mất, anh Tùng khẳng định cái chết của bạn anh là do thiếu cẩn thận trong khi lái xe. Đoạn đường xảy ra tai nạn là đoạn đường có khúc cua gấp, hơn nữa lại vào nửa đêm. Hậu quả là anh Hậu lái xe đã lao vào gốc cây trứng cá ở khúc cua đó và bị tử vong sau khi đưa đi cấp cứu. Rồi liên tiếp sau đó, hai người bạn của anh Tùng từng ăn thịt con cá hôm đấy cũng bị chết do tai nạn.
Sắp xếp những sự việc có thật đó khiến những người ăn cá hôm đó đều giật mình, hoang mang và sợ hãi. Thêm vào đó, người dân thấy vậy liền thêu dệt nên những chuyện mang màu sắc tâm linh như chuyện: Con “cá thần” mà anh Tùng câu được đúng vào nơi nền móng của chiếc đền thờ ngày trước ở dưới lòng hồ. Đấy là “thần” canh miếu, có lẽ vì thế mà những ai ăn phải cá là sẽ nhận được những kết cục tương tự.
Chúng tôi đem câu chuyện “cá thần” lấy mạng mà những người dân Đảo Cò lâu nay còn hoài nghi kể cho anh Cường nghe vì chính anh là người câu được không những một mà nhiều con cá to ngay ở cái hồ ấy.
Cường cười khì “làm gì có chuyện cá thần cá thánh ở đây. Tôi cũng mang cá ở hồ ấy về, bao nhiêu người cùng ăn nhưng có ai bị làm sao đâu”. Nói như vậy để khẳng định rằng, xung quanh những lời đồn “cá thần” lấy mạng là do người dân thêu dệt, đó là chuyện hoang đường.
Những người không may bị tai nạn chết là có thật nhưng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên có liên quan đến việc ăn thịt con cá. Qua câu chuyện với chị Lán, chúng tôi mới biết được những lời đồn đó đã gây thất thiệt cho công việc kinh doanh của gia đình chị. Nhiều khách câu lâu năm tại hồ này bỗng nghỉ hẳn khi nghe được thông tin đó vì họ mang tâm lý sợ hãi.
Trở lại câu chuyện người câu được “thủy quái”, anh Tùng lấy ra từ trong tủ kính những chiếc vẩy cá đã được sấy khô mà anh cất giữ để làm kỷ niệm trong cuộc đời đi câu của mình tặng cho chúng tôi. Mỗi chiếc vẩy cá mà ai đó có được nó cũng gắn thêm một câu chuyện ly kỳ. Nhiều người bảo những ai không ăn thịt cá mà sở hữu vẩy cá cũng bị cá “phạt”.
Người thì bị gãy chân, gãy tay, người thì ốm đau triền miên, có người bị tan gia bại sản. Sự thật câu chuyện lại được chính anh Tùng phản bác. Anh khẳng định rằng, sau khi câu được con cá, không chỉ riêng anh mà những người bạn của anh cùng có mặt tại buổi đánh chén ấy hiện giờ vẫn đang ăn nên làm ra. Họ vẫn sống cuộc sống bình dị, khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc hòa thuận.